Mở đầu
Hẳn nhiều người cũng có cùng câu hỏi như Moneytory lúc mới bắt đầu con đường đầu tư: đó là vốn ít thì nên bắt đầu như thế nào? Chúng tôi đã trả lời phần nào câu hỏi đó trong bài viết này. Hãy lướt qua nếu bạn chưa đọc nó nhé. Trong phạm vi bài viết hôm nay Moneytory muốn đi sâu vào một vấn đề thực tế hơn: nếu tôi muốn có số tiền X (đồng) sau số Y năm thì nên bắt đầu từ đâu? Hãy cùng chúng tôi đi tìm lời giải cho câu hỏi đó nhé.
Lạm phát là gì?
Trước khi đi tiếp thì chúng ta phải làm quen với khái niệm lạm phát này đã. Đây là một yếu tố rất quan trọng trong nền kinh tế nói chung và đầu tư tài chính (cá nhân) nói riêng.
Lạm phát là là sự sụt giảm của giá trị đồng tiền theo thời gian: 1 triệu đồng của ngày hôm nay sẽ không còn đầy đủ giá trị (sức mua) của nó trong tương lai. Một cách nói ngược lại thì lạm phát là sự tăng giá nói chung của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian. Ví dụ: một ly cà phê bạn mua đầu năm giá 20K thì cuối năm cũng mua ly cà phê đó, bạn phải bỏ ra 21K (tương đương 5% lạm phát).
Tại sao lạm phát lại quan trọng?
Lạm phát là một chỉ số quan trong để đánh giá độ phát triển nóng của một nền kinh tế. Tuy nhiên chúng ta sẽ không đi sâu vào chủ đề đó. Điều chúng ta, những nhà đầu tư, quan tâm đó là ảnh hưởng của lạm phát lên dòng vốn của mình. Bởi vì lạm phát là sự sụt giảm về giá trị đồng tiền, nên nó sẽ tác động trực tiếp lên…túi tiền của tất cả mọi người trong xã hội. Giả sử bạn có 100 triệu dư trong tài khoản ngân hàng, có 2 trường hợp sẽ xảy ra:
- Trường hợp 1: Nếu bạn không làm gì với 100 triệu đó thì tới cuối năm rõ ràng là sức mua của 100 triệu đó sẽ không còn bảo đảm như ở ví dụ ly cà phê ở trên
- Trường hợp 2: Nếu bạn gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất hiện tại khoảng 6%/năm thì tới cuối năm bạn sẽ có 100 x (1.06) = 106 triệu đồng, tức là lãi 6 triệu. Tuy nhiên nếu trừ đi khoảng 4-5% lạm phát/năm như hiện tại thì thực tế, sức mua của bạn cũng chỉ còn 106 – 4 = 102 triệu mà thôi
Vậy đó, lạm phát rất quan trọng đối với nhà đầu tư cá nhân. Mọi quyết định đầu tư đều phải (nên) mang lại lợi nhuận lớn hơn tỉ lệ lạm phát hàng năm để đảm bảo tài sản của chúng ta không bị giảm giá trị đi. Một trong những hình thức đầu tư “cổ điển” nhất mà rất nhiều người vẫn áp dụng đó là mang tiền dư dả đi gửi tiết kiệm ngân hàng. Dù khá cũ kĩ, nhưng Moneytory vẫn khuyên rằng đó là cách làm tích cực nhất bạn có thể thực hiện nếu vẫn chưa tìm được phương án tối ưu cho bản thân.
Lãi kép (lãi suất kép) là gì?
Thêm một khái niệm nữa trước khi chính thức đi vào câu hỏi ban đầu nè: lãi suất kép.
Lãi kép: được hiểu đơn giản là lãi được nhận sau một chu kì không được rút ra mà cộng dồn tất cả lại để lấy lãi tốt hơn trong những chu kì tiếp theo.
Ví dụ: tài khoản tiết kiệm lãi suất 6% sau năm 1 sẽ có 106 triệu, dùng tất cả 106 triệu đó tiếp tục gửi năm 2 thì cuối năm 2 sẽ có 106 x (1.06) = 112.36 triệu, cứ như vậy.
Ví dụ thực tế của lãi kép
Lãi kép là một khái niệm tuyệt vời của giới đầu tư. Hãy cùng Moneytory phân tích một ví dụ thực tế dưới đây để thấy sức mạnh khổng lồ của nó:
Giả sử bạn có thể để ra 1 triệu đồng mỗi tháng, và bạn quyết định gửi tiết kiệm để lấy lãi. Tiếp tục giả sử là bạn có thể bỏ ra 1 triệu mỗi tháng liên tục trong vòng X năm. Hãy thử tính xem sau 20 năm, 30 năm và 40 năm thì số tiền bạn thu về là bao nhiêu nhé.
20 năm | 30 năm | 40 năm | |
Tiền vốn bỏ ra | 240,000,000 | 360,000,000 | 480,000,000 |
Tiền lãi | 201,427,094 | 588,698,234 | 1,377,143,587 |
Tổng thu về | 441,427,094 | 948,698,234 | 1,857,143,587 |
Tiền thu về/Tiền vốn | 1.84 | 2.64 | 3.9 |
Nôm na thì cứ sau 20 năm, 30 năm và 40 năm thì tổng tiền vốn của bạn bỏ ra sẽ tăng gần gấp 2, gấp 3 và gấp 4.
Bây giờ hãy thử làm phép tính tương tự, chỉ khác là giờ bạn sẽ bỏ ra 250K/tuần (tức là vẫn 1 triệu/tháng) gửi tiết kiệm trong 20, 30 và 40 năm liên tục xem kết quả sẽ như thế nào nhé.
20 năm | 30 năm | 40 năm | |
Tiền vốn bỏ ra | 240,000,000 | 360,000,000 | 480,000,000 |
Tiền lãi | 262,194,537 | 732,730,865 | 1,688,386,089 |
Tổng thu về | 502,194,537 | 1,092,730,865 | 2,168,386,089 |
Tiền thu về/Tiền vốn | 2.09 | 3.04 | 4.5 |
Kết quả rất ấn tượng đúng không? Điều này nói lên một điều là nếu bạn càng đầu tư sớm và càng đều đặn thì kết quả trong tương lai càng tốt.
Nói tới đây thì Moneytory cũng phần nào trả lời được câu hỏi lúc đầu rồi đó: tức là nếu bạn muốn kiếm được 1 tỉ thì cần …30 năm, và số vốn bỏ ra là 250K/tuần. Tất nhiên là thực tế không được màu hồng như vậy đâu, vì lãi suất gửi ngân hàng hiện tại (chương trình cho phép gửi lãi kép và chia nhỏ khoản góp định kì như trong ví dụ) chỉ cho bạn khoảng 4.x% lãi thôi. Nôm na là bạn sẽ mất nhiều hơn 30 năm hoặc sẽ phải góp nhiều hơn con số 250K/tuần để sớm thấy được 1 tỉ trong tài khoản hơn.
Câu hỏi: Tôi muốn có số X tiền sau Y năm
Để trả lời câu hỏi này thì các bạn phải làm một ít “bài tập” trên excel rồi. Hãy nhìn ví dụ đơn giản công thức tính lãi kép như trong hình minh họa của Moneytory nhé.
Hãy nhớ các biến số sau đây:
- Số tiền khởi đầu: số tiền bạn bắt đầu đầu tư
- Lãi suất năm: lợi nhuận bạn kì vọng đạt được theo năm
- Số kì tính lãi/năm: ví dụ như bạn góp 1 triệu/tháng thì số này sẽ là 12 (tháng)
- Số năm: số năm bạn muốn đầu tư
- Khoản góp định kì: số tiền bạn muốn bỏ vào đầu tư định kì
- B9 bạn để 0 là được
Một khi bạn đã làm được một bảng tính như vậy rồi thì việc còn lại chỉ là ngồi chơi với các con số thôi.
Hãy làm một ví dụ thực tế:
Giả sử bạn đang có 200 triệu sẵn sàng để đầu tư. Bạn đọc bài trên Moneytory về quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và thấy rằng các quỹ ETF có mức sinh lợi nhuận đang ở mức 20%/năm (trung bình). Bạn quyết định đầu tư tất cả 200 triệu vào ETF, và mỗi tháng bỏ ra 20 triệu để tiếp tục mua thêm ETF trong 2 năm tới. Vậy tới cuối năm thứ 2 bạn sẽ có bao nhiêu tiền?
Bạn sẽ có gần 882 triệu.
Vậy nếu muốn có chính xác 1 tỉ sau 2 năm thì phải bỏ ra bao nhiêu mỗi tháng nữa thay vì 20 triệu?
Câu trả lời là 25 triệu bạn nhé.
Lời kết
Như các bạn thấy đấy, đầu tư càng sớm và càng đều đặn thì kết quả thu lại sau cùng là càng ấn tượng. Hãy tìm hiểu kĩ các cơ hội đầu tư để: 1) tối đa hóa lợi nhuận mong đợi hàng năm và 2) phân bổ dòng vốn của mình để giảm rủi ro. Đọc thêm về các phương án đầu tư mà Moneytory đã phân tích cho các bạn tại đây. Chúc mọi người sớm đạt được mục tiêu tài chính của mình.