Ngoại trừ đầu tư vào chứng khoán cơ sở bao gồm Cổ phiếu, Trái phiếu hay các lựa chọn như ETF, Quỹ tương hỗ, bắt đầu từ giữa năm 2019, nhà đầu tư đã có thêm một lựa chọn đầu tư phái sinh mới là Chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant). Sản phẩm chứng khoán phái sinh này là gì và nó có những đặc điểm như thế nào? Hãy cùng Moneytory phân tích về Chứng quyền có bảo đảm trong bài viết này nhé.
Chứng quyền bảo đảm (Covered Warrant) là gì?
Chứng quyền bảo đảm (Covered Warrant): là chứng khoán có tài sản đảm bảo do CTCK (công ty chứng khoán) phát hành. Người sở hữu sẽ có quyền (không phải nghĩa vụ) mua hoặc bán Chứng khoán cơ sở tại một mức giá xác định trước, vào trước hoặc tại một thời điểm xác định trong tương lai.
Có hai loại chứng quyền có bảo đảm: chứng quyền mua và chứng quyền bán.
Chứng quyền mua (call warrant) là loại chứng quyền mà người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số lượng chứng khoán cơ sở theo mức giá thực hiện hoặc nhận khoản tiền chênh lệch khi giá của chứng khoán cơ sở cao hơn giá thực hiện tại thời điểm thực hiện.
Chứng quyền bán (put warrant) là loại chứng quyền mà người sở hữu chứng quyền được quyền bán một số lượng chứng khoán cơ sở theo mức giá thực hiện hoặc nhận khoản tiền chênh lệch khi giá của chứng khoán cơ sở thấp hơn giá thực hiện tại thời điểm thực hiện.
Hiện tại trên thị trường Việt Nam, theo quy định của Ủy ban chứng khoán và sở giao dịch thì các công ty chứng khoán chỉ được phép phát hành Chứng quyền mua, thực hiện quyền theo kiểu châu Âu (thanh toán tại ngày đáo hạn), thanh toán bằng tiền mặt.
Thông tin cơ bản của một chứng quyền có bảo đảm
Cách tính lãi lỗ 1 giao dịch chứng quyền có bảo đảm
Giả sử nhà đầu tư mua 1,000 chứng quyền mua của VNM với thông tin như sau
Tổng số tiền đầu tư vào CW = 1,000 CW * 1,000 VND = 1,000,000 VND
Giả sử giá hiện tại của VNM = 145,000 VND
- Sau 3 tháng:
Giả sử giá VNM trên thị trường là 155,000 VND, giá một CW mua trên thị trường là 1,500 VND. Nhà đầu tư có thể chốt lời bằng cách bán lại số CW đang sở hữu trên sàn giao dịch. Số lời của nhà đầu tư sẽ là: 1,000 * (1,500 – 1,000) = 500,000 VND
- Vào ngày đáo hạn:
Giả sử nhà đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn và giá thanh toán đối với cổ phiếu VNM được công bố là 165,000 VND. Tổ chức phát hành sẽ thanh toán cho nhà đầu tư số tiền là:
1,000/5 * (165,000 – 150,000) = 3,000,000 VND
Mức lời này tương đương = (3,000,000 – 1,000,000)/1,000,000 = 200%.
Tuy nhiên, nếu giá thanh toán đối với cổ phiếu VNM được tính toán và công bố nhỏ hơn hoặc bằng 150,000 VND (giá thực hiện) thì mức “lời” của nhà đầu tư sẽ là:
1,000/5 * (150,000 – 150,000) = 0 VND
Lúc này chứng quyền sẽ không được thực hiện và nhà đầu tư sẽ mất 1,000,000 VND đầu tư ban đầu, tương đương khoản lỗ 100%.
So sánh đầu tư chứng quyền bảo đảm với chứng khoán cơ sở
Bây giờ hãy dùng chính ví dụ trên để so sánh giữa đầu tư chứng quyền và đầu tư CKCS để xem lợi ích và rủi ro của 2 hình thức chênh lệch như thế nào nhé
Từ ví dụ trên chúng ta có thể rút ra được một số đặc điểm của đầu tư chứng quyền có bảo đảm
Đặc điểm của chứng quyền bảo đảm
- Tính đòn bẩy: giá của chứng quyền thường nhỏ hơn nhiều lần so với giá của chứng khoán cơ sở, tuy nhiên giá trị nội tại của chứng quyền sẽ thay đổi gần như tương ứng với mức độ biến động giá của chứng khoán cơ sở. Vì vậy, tỷ lệ thay đổi giá của chứng quyền sẽ lớn hơn tỷ lệ thay đổi giá của chứng khoán cơ sở. Do đó, chứng quyền có thể làm gia tăng suất sinh lợi cho nhà đầu tư khi chứng khoán cơ sở biến động đúng với dự báo của nhà đầu tư.
- Cố định khoản lỗ tối đa: khi nhà đầu tư không thể nhận định chính xác về sự thay đổi giá của chứng khoán cơ sở, nhà đầu tư có thể đầu tư vào CW như một phương án thay thế. Trường hợp giá chứng khoán cơ sở biến động ngược chiều với dự đoán của nhà đầu tư thì khoản lỗ tối đa của nhà đầu tư trong trường hợp này chỉ là khoản phí (giá) của CW mà nhà đầu tư phải trả để sở hữu CW.
- Vốn đầu tư thấp: giá giao dịch của mỗi chứng quyền thông thường là khá thấp. Vì vậy, khi tham gia nhà đầu tư chỉ bỏ ra số tiền khá nhỏ.
- Không phải ký quỹ khi tham gia giao dịch: nhà đầu tư không cần ký quỹ khi tham gia đầu tư chứng quyền.
- Giao dịch và thanh toán dễ dàng: chứng quyền được giao dịch và thanh toán tương tự như cổ phiếu.
Hướng dẫn mua bán chứng quyền bảo đảm
Có 2 cách để mua chứng quyền:
- Mua trên thị trường sơ cấp: đăng ký mua trực tiếp từ tổ chức phát hành. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi sẽ không bàn nhiều về hình thức mua sơ cấp này, chỉ lưu ý là nhà đầu tư sẽ cần đầu tư kha khá công sức vào nghiên cứu và liên lạc trực tiếp với các công ty môi giới/tổ chức phát hành lớn để nắm được thời điểm các đợt phát hành chứng quyền mới.
- Mua trên thị trường thứ cấp sau khi chứng quyền được niêm yết trên sàn HOSE: lúc này thì chứng quyền được giao dịch tương tự như một chứng khoán nên nhà đầu tư đơn giản chỉ cần dùng tài khoản giao dịch của mình để giao dịch bình thường. Nếu bạn vẫn chưa có tài khoản giao dịch thì hãy đọc bài viết Hướng dẫn đăng ký tài khoản giao dịch chứng khoán tại đây.
Một số thông tin về các loại chứng quyền hiện hữu
Hiện trên thị trường có khoảng 100 mã chứng quyền đang hiện hữu, do 7 đơn vị tổ chức phát hành dựa trên 19 mã chứng khoán cơ sở. Trong đó công ty KIS hiện đang phát hành nhiều mã chứng quyền nhất (30 mã), 2 mã CKCS được phát hành chứng quyền nhiều nhất là HPG và VHM lần lượt 9 mã chứng quyền mỗi mã. Bạn đọc có thể tham khảo bảng dưới đây để có thêm thông tin chi tiết.
Lời kết
Đầu tư chứng quyền là một hình thức đầu tư có tính đòn bẩy cao, tương ứng là khả năng sinh lời cũng cao hơn so với đầu tư chứng khoán cơ sở. Tất nhiên đi kèm đó là biến động giá của CKCS cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn hơn khi đầu tư chứng quyền. Do đó, Moneytory khuyến nghị nhà đầu tư hãy tìm hiểu kĩ trước khi quyết định đầu tư vào chứng quyền có bảo đảm.