Cẩm nang đầu tư 2022: đầu tư chủ động và thụ động

Theo dõi Moneytory trên
phong cách đầu tư thụ động hay chủ động-finpedia

Trong giới đầu tư có một chủ đề tranh luận trường kì – trường phái đầu tư nào là tối ưu: chủ động hay thụ động?

Đầu tư chủ động là trường phái được đại điện những nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp – những người đặt mục tiêu mang lại kết quả đầu tư tốt hơn một Chỉ số index cụ thể nào đó (trên thế giới có những chỉ số tiêu biểu như S&P 500 hoặc DJI 30, ở VN thì có VNINDEX hoặc VN30) qua thời gian. Tương ứng thì trường phái đầu tư thụ động là cố gắng mô phỏng, chứ không phải vượt qua kết quả của các Chỉ số index.

Tuy còn rất nhiều thứ để bàn về 2 trường phái này, về ưu nhược điểm của từng loại, nhưng thực tế là nhà đầu tư đã bắt đầu chuyển dịch xu hướng đầu tư từ các quỹ tương hỗ chủ động sang các quỹ danh mục hoặc các quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Lý do? Đơn giản là vì sau khi trừ đi các chi phí quản lý, thì các quỹ tương hỗ chủ động thực tế là có kết quả kém hơn các quỹ thụ động khác.

Xu hướng này cũng là mới xảy ra trong thời gian gần đây. Ví dụ: trong năm 2013, tại Mĩ, các quỹ tương hỗ chủ động thu hút được 298.3 tỉ $, con số đó với các quỹ thụ động là 277.4 tỉ $. Tới năm 2019, nhà đầu tư rút ròng 204.1 tỉ $ từ các quỹ chủ động, nhưng lại góp ròng 162.7 tỉ $ vào các quỹ thụ động. Xu hướng này cũng đang diễn ra một cách tương đối rõ ràng tại Việt Nam: các quỹ thụ động đang có mức giá trị tài sản thuần (NAV) vượt trội so với các “đồng nghiệp” quỹ chủ động khác.

Đầu tư chủ động vs. Đầu tư thụ động

Đầu tư chủ động
  • Mục tiêu đạt lợi nhuận cao hơn một chỉ số index cụ thể – đối chuẩn
  • Có quản lý quỹ và chuyên gia phân tích tài chính chuyên nghiệp
  • Thường đi kèm phí quản lý quỹ cao, phí này sẽ ăn vào lợi nhuận của nhà đầu tư tương đối đáng kể trong thời gian dài
Đầu tư thụ động
  • Mục tiêu mô phỏng, không phải vượt qua, hiệu quả đầu tư của một chỉ số index cụ thể
  • Thường sẽ tự động hoá với rất ít yếu tố con người liên quan
  • Phí quản lý quỹ thường tương đối thấp

Đầu tư chủ động: ưu nhược điểm

Các quỹ đầu tư chủ động được điều hành bởi các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp. Một số sẽ chuyên môn hoá trong khoản chọn lọc một số mã cổ phiếu cụ thể mà họ nghĩ sẽ có hiệu suất tốt hơn thị trường. Một số khác tập trung đầu tư theo xu hướng ngành cụ thể (ví dụ họ có thể sẽ chọn đầu tư tập trung cho cổ phiếu ngành bất động sản).

Thường thì các quản lý quỹ sẽ thực hiện cả 2 cách tiếp cận này. Các quản lý quỹ được hỗ trợ bởi một nhóm các chuyên gia phân tích những người sẽ thực hiện nghiên cứu chuyên sâu để xác định cơ hội đầu tư một cách chính xác.

Phương pháp luận của đầu tư chủ động là nhà đầu tư thuê những người chuyên nghiệp để “chọn lọc” và quản lý tiền (tài sản) thay cho họ. Khi thị trường đi lên, các nhà quản lý quỹ có thể mang lại hiệu quả đầu tư tốt hơn mặt bằng chung của thị trường, kể cả khi đã trừ đi phí quản lý.

Nhưng nhà đầu tư cũng nên nhận thức được là không có gì cam kết các quỹ chủ động có thể mang lại hiệu quả đầu tư cao hơn thị trường, thậm chí là nhiều quỹ không làm được điều đó. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thực tế có khá ít quỹ chủ động có thể vượt qua mức lãi của thị trường, phần lớn là do mức phí quản lý cao. Muốn “đánh bại thị trường”, các quỹ chủ động phải mang lại lãi vượt qua mặt bằng chung ít nhất đủ để trang trải chi phí quản lý của nó.

Điều này thực tế là có vẻ “nói dễ hơn làm”. Trong năm 2019, 71% các quỹ chủ động “có số má” ở Mĩ đạt hiệu quả dưới mức đi lên của chỉ số S&P 500, theo báo báo của S&P Dow Jones Indices’ SPIVA (S&P Indices Versus Active) Scorecard.

Xa hơn nữa, trong vòng 5 năm trở lại đây, gần 81% các quỹ chủ động không thể vượt qua mặt bằng lợi nhuận chung của thị trường.

Khi thị trường tốt, đầu tư chủ động có thể mang lại hiệu quả tốt. Nhưng khi thị trường biến động mạnh, phương án này có thể sẽ đi sau cả mặt bằng chung thị trường. Nhưng tổng kết lại là, dù thị trường tốt hay xấu, thì nhà đầu tư vẫn phải trả phí quản lý nhiều hơn cho các quỹ chủ động.

Đầu tư thụ động: ưu nhược điểm

Các quỹ thụ động, hay còn được gọi là quỹ đầu tư theo chỉ số, được thiết kế để mô phỏng cơ cấu danh mục của một chỉ số. Tương ứng, các quỹ này được kì vọng sẽ đạt chính xác hiệu quả đầu tư của chỉ số chúng mô phỏng. Tức là chúng sẽ đi lên (hoặc đi xuống) theo đúng những gì chỉ số mô phỏng diễn ra trên thị trường.

Như tên gọi, các quỹ thụ động không có các quản lý quỹ đưa ra quyết định mua hay bán. Do đó, nhà đầu tư cũng không cần phải trả những khoản phí quản lý quỹ khổng lồ.

Phí quản lý quỹ của cả quỹ chủ động lẫn thụ động đều đã giảm theo thời gian, tất nhiên là nhà đầu tư vẫn phải trả phí cao hơn cho quỹ chủ động. Trong năm 2018, tại Mĩ, trung bình phí quản lý quỹ chủ động giảm xuống còn 0.75%/năm, giảm từ 1.04% ở thời điểm năm 1997.

Con số đó ở các quỹ thụ động là 0.08% năm 2018, giảm từ 0.27% năm 1997. Còn ở VN, chi phí quản lý quỹ vẫn ở mức khá cao, cả chủ động lẫn thụ động. Chi phí quỹ chủ động hiện đang dao động ở mức 1.75%/năm còn các quỹ thụ động ở mức 0.8%/năm.

Bài học rút ra cho nhà đầu tư

Nhà đầu tư không có nhiều (hoặc không muốn dành nhiều) thời gian và công sức để nghiên cứu, quản lý danh mục đầu tư nên suy nghĩ lựa chọn các quỹ thụ động. Ít nhất bạn sẽ không bị thụt lùi so với đà đi lên của thị trường, cũng như không phải trả phí quản lý quá cao.

Kể cả đối với những nhà đầu tư muốn chủ động trong danh mục đầu tư của mình thì các quỹ thụ động vẫn là một lựa chọn “chi phí thấp” để khám phá một ngành hoặc một lĩnh vực cụ thể nào đó, mà không phải đầu tư quá nhiều thời gian và công sức vào việc phân tích nghiên cứu.

Tất nhiên là nhà đầu tư cũng không nhất thiết phải chọn 1 trong 2. Một số nhà đầu tư lựa chọn xây dựng một danh mục đầu tư đa dạng bằng cách kết hợp các quỹ chủ động họ hiểu rõ và các quỹ thụ động đầu tư vào các lĩnh vực họ không hiểu rõ.

Cần lưu ý là, các quỹ chủ động rất đa dạng: không phải quỹ nào có kết quả đầu tư vượt trội trong 1 hoặc 2 năm cũng có thể duy trì kết quả đó trong thời gian dài. Thay vào đó, nhà đầu tư nên “chọn mặt gửi vàng” vào các quản lý quỹ uy tín có thành tích được ghi nhận trong thời gian dài. Những quản lý quỹ này thường sẽ có thể mang lại kết quả vượt trội trong suốt sự nghiệp của họ.

Một lần nữa, chúng tôi muốn nhấn mạnh là, hãy suy nghĩ kĩ về tình hình tài chính, khả năng và khẩu vị rủi ro của bạn trước khi quyết định đầu tư.

Bài viết liên quan