Như đã giới thiệu trong những series bài viết trước về quỹ mở cũng như cập nhật về kết quả hoạt động của các quỹ nổi bật trên thị trường Việt Nam đầu năm nay, Moneytory muốn tiếp tục gửi tới các bạn những bài phân tích chi tiết hơn về các quỹ này.
Xem thêm: Quỹ mở là gì? và Tổng hợp KQHĐ các quỹ mở nổi bật
Chủ đề của bài viết này sẽ là những phân tích về “đại gia” VinaCapital cùng 2 quỹ có kết quả hoạt động cùng tỉ suất sinh lời nổi bật của họ và quỹ VEOF và quỹ VESAF.
VinaCapital là ai?
“Công ty quản lý quỹ VinaCapital (VCFM) là một trong những công ty đầu ngành trong lĩnh vực đầu tư tài chính ở Việt Nam. Được thành lập bởi Tập đoàn VinaCapital từ năm 2012 và hoạt động dưới tên Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ VinaWealth cho đến trước tháng 07 năm 2017, VCFM được cấp giấy phép bởi Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước để thành lập và quản lý các quỹ đầu tư, quản lý danh mục đầu tư và cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư.
VCFM là một thành viên được sở hữu 100% bởi Tập đoàn VinaCapital, một trong những tập đoàn đầu tư và quản lý tài sản lớn nhất tại Việt Nam, hiện đang quản lý trên 3,9 tỷ đô la Mỹ tại Việt Nam. VinaCapital có kinh nghiệm đầu tư 19 năm ở Việt Nam, và đã và đang quản lý nhiều quỹ, tài khoản ủy thác và dự án đầu tư vào nhiều loại tài sản, bao gồm cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu tư nhân, trái phiếu, bất động sản, công nghệ thông tin.”
Đó là những gì nhà đầu tư có thể tìm thấy trên website của VinaCapital. Còn với những người quan tâm về đầu tư thì hẳn cái tên VinaCapital cũng quá quen thuộc rồi. Đây có thể coi là một trong những công ty quản lý quỹ mở lớn nhất Việt Nam cả về tài sản đang quản lý cũng như uy tín trong thị trường.
Các quỹ mở của VinaCapital
Hiện VinaCapital có 6 sản phẩm đầu tư mà nhà đầu tư có thể mua CCQ qua ứng dụng MIO+ của chính công ty hoặc các ứng dụng bên thứ ba, bao gồm 5 quỹ mở và 1 ETF:
- VFF: quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh VinaWealth
- VEOF: quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth
- VESAF: quỹ đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam
- VIBF: quỹ đầu tư cân bằng Tuệ Sáng VinaCapital
- VLBF: quỹ đầu tư Trái phiếu thanh khoản VinaCapital
- FUEVN100: quỹ ETF VINACAPITAL VN100
Phân tích quỹ VEOF
Tổng quan
- Tên quỹ: Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth (VinaWealth Equity Opportunity Fund)
- Tên viết tắt: VEOF
- Ngày thành lập: 01/07/2014 theo giấy phép 12/GCN-UBCK
- Phí quản lý: 1.75% NAV/năm
- Phí mua vào CCQ: 0.0%
- Phí bán ra CCQ: 2% (thời gian nắm giữ <=1 năm); 1.5% (thời gian nắm CCQ 1-2 năm); 0.5% (thời gian nắm giữ lớn hơn 2 năm)
Cách tiếp cận
Theo như trang web của VinaCapital thì “Quỹ VEOF đầu tư chủ yếu vào các cổ phiếu niêm yết của các doanh nghiệp đầu ngành, có lợi thế cạnh tranh khác biệt và có tiềm năng tăng trưởng tốt. Quỹ VEOF có mức rủi ro trung bình đến cao, phù hợp với nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận cao, có ý định đầu tư trung và dài hạn, chấp nhận được biến động của thị trường trong ngắn hạn.”
Danh mục đầu tư
Danh mục đầu tư là bí quyết tạo nên thành công của quỹ mở nên tất nhiên chúng ta không thể biết được danh mục chính xác của VEOF là gì. Theo thông tin gần nhất VinaCapital công bố năm 2020 thì ũy VEOF đang nắm giữ 37 mã cổ phiếu, trong đó chỉ công khai thông tin top 10 khoản đầu tư lớn nhất của họ như bảng dưới đây.
Phân bổ tài sản
Phân bổ tài sản theo ngành
Hồ sơ Giám đốc quản lý quỹ
Người điều hành quỹ của VEOF theo thông tin Moneytory tìm được là ông Đinh Đức Minh, người cũng đang là quản lý chính của một quỹ khác chúng tôi sẽ phân tích ngay sau là VESAF. Ông Minh có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ số 001736/QLQ.
Theo như giới thiệu của VinaCapital thì ông Minh có “12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và quản lý quỹ tại Việt Nam. Trước khi gia nhập VinaCapital vào năm 2016, ông có 5 năm làm việc tại Công ty cổ phần chứng khoán SSI với vị trí trưởng phòng phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng tổ chức. Từ 2008 tới 2010, ông là chuyên viên đầu tư tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Ông Minh tốt nghiệp Thạc sĩ quản lý đầu tư tại đại học Conventry, Vương quốc Anh.”
Moneytory không tìm được nhiều thông tin về ông Minh và vì ông Minh cũng là quản lý quỹ của cả 3 quỹ mở chính của VinaCapital là VEOF, VESAF và VIBF nên chúng ta sẽ loại trừ yếu tố lịch sử kết quả đầu tư của chính những người quản lý quỹ trong phân tích này. Thay vào đó chúng ta sẽ chỉ nhìn vào kết quả sinh lời thực tế của các quỹ để đánh giá mức độ hiệu quả của từng quỹ.
Hiệu suất đầu tư của quỹ
Như vậy là từ năm 2015-2021 hiệu suất sinh lời của VEOF thực ra là…thua nhiều hơn thắng so với mức tăng chung của thị trường (lấy chỉ số VN-Index làm tham chiếu) và trừ đi chi phí quản lý phải trả cho quỹ. Trong 7 năm thì họ cũng chỉ Thắng được thị trường 3 lần, mà 2 lần những năm 2015. 2016 thì chênh lệch cũng là sít sao; còn năm 2021 vừa qua thì là một năm đặc biệt của chứng khoán không cần bàn cãi rồi.
Nhận định
Nhà đầu tư nên xem xét thật kĩ trước khi quyết định đầu tư vào VEOF!
Phân tích quỹ mở VESAF
Tổng quan
- Tên quỹ: Quỹ đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam (Vietnam Equity Special Access Fund)
- Tên viết tắt: VESAF
- Ngày thành lập: 18/0742017 theo giấy phép 25/GCN-UBCK
- Phí quản lý: 1.75% NAV/năm
- Phí mua vào CCQ: 0.0%
- Phí bán ra CCQ: 2% (thời gian nắm giữ <=1 năm); 1.5% (thời gian nắm CCQ 1-2 năm); 0.5% (thời gian nắm giữ lớn hơn 2 năm)
Cách tiếp cận
Theo như trang web của VinaCapital thì “Quỹ VESAF đầu tư chủ yếu vào các cổ phiếu niêm yết có vốn hóa vừa và nhỏ, các cổ phiếu có giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài, đặc biệt là các cổ phiếu đã hết room cho nhà đầu tư nước ngoài. Quỹ VESAF có mức độ rủi ro trung bình đến cao, phù hợp với nhà đầu tư kỳ vọng mức sinh lời cao vượt trội, muốn đầu tư trung-dài hạn và chịu được biến động mạnh của thị trường.”
Danh mục đầu tư
VESAF thông cáo là họ đang đầu tư vào 31 mã cổ phiếu. Thông tin top 10 khoản đầu tư lớn nhất của VESAF như bảng dưới đây. Cập nhật tới hết tháng 1/2022.
Chúng ta có thể nhận ra là có tới 6/10 mã là trùng hợp so với danh mục top 10 của quỹ VEOF. Tổng % NAV của 6 mã trùng nhau này cũng tương đối giống nhau. Nhìn chung có lẽ sự khác biệt giữa 2 quỹ về tỉ suất sinh lời chỉ nằm ở nhóm cổ phiếu dàn trải phía dưới của bảng phân bổ NAV.
Phân bổ tài sản
Theo như phân tích này thì tỉ lệ nắm giữ tiền mặt của VESAF đang cao hơn khá nhiều so với VEOF – lực cản tiền mặt (cash drag) của VESAF lớn hơn.
Phân bổ theo ngành
Cũng như phân tích về danh mục, phân bổ theo ngành của VESAF không có quá nhiều khác biệt – vẫn tập trung đầu tư chính vào nhóm Tài chính, ngân hàng, công nghiệp và bất động sản.
Hồ sơ Giám đốc quản lý quỹ
Tương tự VEOF.
Hiệu suất đầu tư của quỹ
Cũng như VEOF ở trên thì trong 5 năm tuổi đời của mình, VESAF đang…thua nhiều hơn thắng. Tuy nhiên từ năm 2019 tới nay thì quỹ lại cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực hơn. Chênh lệch thắng của quỹ so với thị trường đã được nới rộng lên rất nhanh đặc biệt là năm ngoái VESAF chính là quỹ có hiệu suất tốt nhất thị trường.
Năm 2019 dù trên lý thuyết là thua thị trường nhưng thực tế họ cũng chỉ thua vài chấm phần trăm (chính xác là 0.25%). Tuy nhiên VESAF lại đang giữ lượng tiền mặt tương đối lớn – có lẽ là một điểm trừ của quỹ hoặc do số lượng nhà đầu tư nạp rút vốn quá nhiều và quá thường xuyên.
Nhận định
Nhà đầu tư có thể xem xét bổ sung CCQ quỹ mở VESAF vào danh mục đầu tư của mình!
Lời kết
Mặc dù là 2 năm trở lại đây, các quỹ mở thường có kết quả sinh lời khá là tốt và thường cao hơn so với thị trường, tuy nhiên việc phân tích chuyên sâu về một quỹ mở trước khi đầu tư là cần thiết. Trong trường hợp của VinaCapital như chúng ta đã phân tích, không phải quỹ nào của họ cũng có hiệu quả vượt trội.
Moneytory hi vọng đã đem đến cho các bạn những thông tin hữu ích để lựa chọn đầu tư. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ cho trang để chúng tôi có động lực tiếp tục chia sẻ thông tin kiến thức tới mọi người.