Hiện thị trường chứng khoán phái sinh (CKPS) Việt Nam đã có những sản phẩm đầu tiên chính là hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (TPCP). Giao dịch CKPS có những đặc điểm khác so với giao dịch chứng khoán cơ sở (CKCS). Vậy nên hãy cùng Moneytory tìm hiểu thêm về khái niệm Hợp đồng tương lai trong phạm vi bài viết này nhé.
Hợp đồng tương lai (Futures Contract) là gì?
Hợp đồng tương lai (hay Futures contract) là một thỏa thuận để nhà đầu tư có thể mua hoặc bán tài sản với một mức giá xác định vào một thời điểm chắc chắn trong tương lai.
Hiện tại thị trường CKPS Việt Nam có 2 dòng sản phẩm là: HĐTL trên Chỉ số VN30 và HĐTL trên Trái phiếu chính phủ (kì hạn 5 năm và 10 năm).
Các thống kê về giao dịch bình quân và các kỉ lục giao dịch cho thấy xu hướng phát triển tiềm năng và ổn định của sản phẩm HĐTL này sau 1,000 phiên giao dịch kể từ ngày được cung cấp trên thị trường.
Trong phạm vi bài viết này, Moneytory sẽ tập trung phân tích về sản phẩm HĐTL trên Chỉ số VN30.
Các thông số thường thấy của một HĐTL VN30
Bảng dưới đây là tổng hợp các thông số cần biết trong một giao dịch HĐTL VN30
[wpdatatable id=14 table_view=regular]
Quy trình giao dịch HĐTL
Mô tả dưới đây là quy trình giao dịch của một HĐTL.
Một số điểm cần lưu ý cho nhà đầu tư trước khi tham gia giao dịch Hợp đồng tương lai VN30
- Nhà đầu tư được yêu cầu phải ký quỹ trước khi tham gia giao dịch HĐTL: chúng ta sẽ đi sâu vào các quy định ký quỹ ở phần sau của bài viết – đây là một trong những lưu ý quan trọng nhất trong giao dịch phái sinh.
- Nhà đầu tư phải thanh toán toàn bộ lãi lỗ phát sinh theo hợp đồng hằng ngày: lãi/lỗ sẽ được tính toán cuối mỗi ngày giao dịch. Riêng với các hợp đồng đến ngày đáo hạn, lãi/lỗ sẽ được tính dựa trên giá đóng cửa của chỉ số tại ngày đáo hạn.
- Nếu tài khoản CKPS của bạn lỗ ròng: bạn phải thanh toán đầy đủ toàn bộ số lỗ phát sinh chậm nhất trước 8h sáng ngày hôm sau
- Nếu tài khoản CKPS của bạn lãi ròng: bạn sẽ nhận được đầy đủ số lãi phát sinh sau 11h sáng ngày hôm sau
- Nếu tài khoản có số dư ký quỹ dưới mức quy định, bạn sẽ bị gọi ký quỹ (margin call) bởi công ty chứng khoán (CTCK), yêu cầu bổ sung tài khoản. Ngược lại, nếu giá trị tài sản ký quỹ vượt giá trị ký quỹ yêu cầu, nhà đầu tư có thể rút bớt phần này. Bạn đọc có thể tham khảo thêm hình minh họa dưới đây để hiểu hơn về biến động của tài khoản ký quỹ
Quy định ký quỹ CKPS
Ký quỹ là khoản tiền hoặc chứng khoán mà nhà đầu tư (NĐT) gửi Trung tâm lưu ký chứng khoán Viêt Nam (VSD) để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh. Theo quy định hiện hành, tỷ lệ ký qũy bằng tiền không được thấp hơn 80% giá trị tài sản ký quỹ.
Ngoài việc quan tâm Ký quỹ ban đầu khi mở vị thế HĐTL, nhà đầu tư còn cần quan tâm đến Tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ (AR) để đảm bảo tài sản ở mức an toàn:
Mức độ | Tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ (AR) |
An toàn | 85% |
Cảnh báo | 87% |
Xử lý | 90% |
Để đưa trạng thái tài khoản về mức An toàn, nhà đâu tư có thể:
- Đóng bớt vị thế mở, qua đó giảm yêu cầu ký quỹ
- Gia tăng tài sản ký quỹ bằng cách nộp thêm tiền trước 8h ngày giao dịch.
- Trường hợp AR >= 100%, NĐT cần nộp bổ sung tiền trước 15h30 ngay trong ngày. Nếu NĐT không nộp đủ, TCBS sẽ hỗ trợ giải ngân tiền mặt vào tài khoản để đưa tỷ lệ về 95% và thu nợ vào ngày làm việc tiếp theo (bằng cách đóng vị thế bắt buộc và/hoặc rút ký quỹ từ VSD).
Cụ thể định nghĩa và công thức ký quỹ HĐTL
Ký quỹ ban đầu (Initial Margin – IM) | Là khoản “đặt cọc” để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong tương lai của hợp đồng.
Mức ký quỹ ban đầu = Giá giao dịch * Hệ số nhân Hợp đồng * Số lượng Hợp đồng mua/bán * Tỷ lệ ký quỹ yêu cầu. Tỉ lệ ký quỹ yêu cầu cho HĐTL chỉ số VN30: 13% IM |
Ký quỹ biến đổi (Variation Margin – VM) | Lãi lỗ vị thế mở trong phiên giao dịch của nhà đầu tư. Ký quỹ biến đổi chỉ được tính vào ký quỹ duy trì yêu cầu trong trường hợp nhà đầu tư rơi vào trạng thái lỗ.
VM = (Giá 1 – Giá 2) * Số hợp đồng * Hệ số nhân |
Ký quỹ duy trì yêu cầu (Margin Requirement – MR) | Giá trị ký quỹ tối thiểu mà Khách hàng phải duy trì để đảm bảo khả năng thanh toán của Nhà đầu tư với các HĐTL đang sở hữu MR = IM + VM.
Ký quỹ biến đổi (VM) chỉ được tính vào ký quỹ yêu cầu trong trường hợp ở trạng thái lỗ |
Giá trị tài sản ký quỹ hợp lệ (Vkq) | Là giá trị ký quỹ bằng tiền, chứng khoán được xác định theo mức giá và tỷ lệ chiết khấu theo quy định. |
Tỉ lệ sử dụng tài sản ký quỹ (AR) | = MR/Vkq |
Ví dụ giao dịch HĐTL VN30
Nhà đầu tư mua 10 HĐTL VN30F2110 tại mức giá là 1500. Giá trần của HĐTL là 1619. Hệ số nhân của hợp đồng là 100.000 đồng. Tỷ lệ ký quỹ ban đầu là 13%. Tỷ lệ duy trì là 85%. Phí giao dịch và thuế giao dịch là 0 đồng. Như vậy:
Giá trị hợp đồng tính theo giá trần = 1619 * 10 * 100.000 = 1,619,000,000 VND
Số tiền ký quỹ để mở vị thế (Vkq) = 13% * 1,619,000.000 = 247,611,765 VNĐ
Giả sử:
- Trong phiên giá HĐTL VN30F2110 biến động giảm xuống mức 1450
Ký quỹ ban đầu (IM) = 13% * 1450 * 10 * 100,000 = 188,500,000
Lỗ (VM) = (1450 – 1500)* 10 * 100,000 = 50,000,000
Ký quỹ yêu cầu (MR) = 188,500,000 + 50,000,000 = 238,500,000
Tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ (AR) = 238,500,000/247,611,765 = 96%
Do AR > 90% => tài khoản sẽ bị xử lý đóng vị thế bắt buộc, tức là nhà đầu tư sau đó phải bán HĐTL đi hoặc giữ nguyên cho tới ngày đáo hạn.
- Ngày T+0: nhà đầu tư quyết định đóng vị thế 3HĐTL tại mức giá 1505:
Lãi = (1505 – 1500) * 3 * 100,000 = 1,500,000 VND
Tới cuối ngày, giá VN30 xuống còn 1495, lãi/lỗ của 7 HĐTL còn lại là:
Lỗ = (1495 – 1500) * 7 * 100,000 = – 3,500,000
Trước 8h sáng ngày tiếp theo, nhà đầu tư cần nộp 3,500,000 – 1,500,000 = 2,000,000 VND vào tiểu khoản phái sinh để thanh toán.
- Ngày T+1: nhà đầu tư quyết định đóng vị thế 3HĐTL tại mức giá 1502:
Lãi = (1502 – 1495) * 3 * 100,000 = 2,100,000 VND
Tới cuối ngày, giá VN30 lên 1500, lãi/lỗ của 4 HĐTL còn lại là:
Lãi = (1500 – 1495) * 4 * 100,000 = 2,000,000
Trước 11h sáng ngày tiếp theo, nhà đầu tư sẽ được nhận lãi 2,000,000 + 2,100,000 = 4,100,000 VND
- Tính lãi/lỗ vào ngày đáo hạn:
Giả sử giá VN30 cuối ngày giao dịch liền trước ngày đáo hạn là 1510. Giá thanh toán cuối cùng là 1515, vậy với 4 HĐTL còn lại, nhà đầu tư nhận được:
Lãi = (1515 – 1510) * 4 * 100,000 = 2,000,000 VND
Ưu nhược điểm của HĐTL
Ưu điểm:
- Đòn bẩy cao: nhà đầu tư có thể sử dụng một số vốn nhỏ để được tiếp cận cơ hội sinh lời lớn hơn nhiều so với giao dịch CKCS bình thường
- Có thể có lời trong cả 2 chiều tăng/giảm của thị trường: Nhà đầu tư bán HĐTL (mở vị thế short) chỉ số CP VN30 nếu kỳ vọng chỉ số VN30 giảm. Nhà đầu tư không cần có hợp đồng nào cũng có thể bán được (bán khống). Để đóng vị thế, Nhà đầu tư phải mua lại HĐTL hoặc giữ đến đáo hạn.
- Giao dịch T+0
Nhược điểm:
- Rủi ro cao
- Cần dành nhiều thời gian để quan sát biến động của thị trường
Lời kết
Với những đặc tính trên, sản phẩm CKPS tại Việt Nam phù hợp với những người có khẩu vị rủi ro cao, giao dịch nhiều, đã có kinh nghiệm đầu tư. Bên cạnh đó phái sinh cũng phù hợp với các tổ chức tài chính lớn như là một phần của chiến thuật giao dịch của họ (hedging). Lời khuyên của Moneytory: nếu bạn là nhà đầu tư mới bắt đầu, hãy tìm hiểu và quan sát thật kĩ CKPS trước khi quyết định đầu tư.