Ngày nay khi làn sóng crypto Tiền mã hóa đang ngày một sôi động, nhà đầu tư hẳn đã nghe đâu đó những thuật ngữ như ICO, IEO hay gần đây nhất là IDO. Cả 3 sự kiện kể trên đều liên quan tới việc phát hành Coin/Token lần đầu tiên để gây quỹ/gọi vốn cho các dự án mà các đồng Coin/Token đó đại diện trên nền tảng blockchain. Tuy nhiên phân biệt ICO, IEO và IDO là gì và chúng có những điểm khác nhau như thế nào Là một câu hỏi không dễ trả lời. Hãy cùng đi tìm câu trả lời trong phạm vi bài viết này của Moneytory nhé.
Xem thêm: Các thuật ngữ Crypto chọn lọc
Phân biệt ICO
ICO – Initial Coin Offering, dịch ra tiếng Việt là phát hành Coin ra công chúng lần đầu. Tức là sự kiện mà một dự án/công ty huy động vốn trong công chúng bằng cách bán những Coin/Token của họ đổi lấy Tiền (hoặc một dạng tài sản khác, thường sẽ là một dạng Tiền mã hóa được công nhận rộng rãi như Bitcoin (BTC) hay Ether (ETH)…
Nói một cách dễ hiểu, các công ty/dự án khởi nghiệp sẽ bán những đồng Coin/Token mới phát hành của họ cho nhà đầu tư. Khi những đồng Coin/Token này được niêm yết lên sàn giao dịch, nhà đầu tư sẽ kiếm lời bằng hi vọng những đồng Coin/Token này sẽ lên giá.
ICO thực ra khá tương đồng với IPO (Initial Public Offering) – niêm yếu cổ phiếu đại chúng lần đầu tiên. Tuy nhiên, do không bị quản lý giám sát chặt chẽ vì bản chất phi tập trung của công nghệ blockchain, nên quá trình ICO khá sơ sài.
Rủi ro từ những dự án chào bán ICO là rất rõ ràng khi sản phẩm cũng như mô hình kinh doanh của các công ty ICO thường là chưa được bảo đảm và kiểm chứng. Thậm chí thời hoàng kim của ICO những năm 2017, các công ty chỉ cần nộp một bản kế hoạch gọi là whitepaper là đã đủ để rao bán Coin của họ trên thị trường. Sự lỏng lẻo này trong quản lý cũng là tiền đề của một loạt những vụ lừa đảo ICO nhan nhản những năm gần đây.
4 bước xây dựng 1 dự án ICO
Giai đoạn set up: công ty hoặc dự án khởi nghiệp quyết định sử dụng phương án ICO để huy động vốn phát triển sản phẩm hoặc ý tưởng (tất nhiên là trên nền tảng công nghệ blockchain). Thường họ sẽ phải bắt đầu với một dạng “tài liệu” – white paper (sách trắng) để thuyết trình ý tưởng sản phẩm của họ là gì, và nó khác biệt ra sao với những công ty khác trên thị trường. Ethereum cũng từng ICO vào năm 2014, gọi được tổng cộng 31,000 BTC tương ứng với khoảng 18.3 triệu $ vào thời ấy. Bạn đọc nào quan tâm có thể download và đọc whitepaper của Ethereum tại đây.
Giai đoạn xây dựng hệ sinh thái: các dự án crypto thường sẽ được phát triển dựa trên 1 trong những nền tảng blockchain (cũng như thừa hướng tính ứng dụng) sẵn có sau đây.
- Ripple, Digibyte là những hệ sinh thái cho phép thực hiện giao dịch qua ngân hàng
- Steem Coin là một mạng xã hội
- Và những hệ sinh thái marketing nhiều tầng như Bitconnect, Yocoin, Onecoin.
Giai đoạn crowdfunding (gọi vốn cộng đồng): đây là giai đoạn mà các công ty dự định ICO sẽ quảng bá đồng Coin/Token mới của họ ra cộng đồng. Các cổng truyền thông và diễn đàn thông tin ICO nổi tiếng bao gồm: icoinfo.net, coinschedule.com hoặc cointelegraph.com. Đây là một giai đoạn quan trọng quyết định sự thành công của ICO.
Bạn đọc quan tâm tới cơ hội đầu tư crypto từ những dự án ICO có thể tham khảo thêm bài viết này.
Giai đoạn index (lên sàn): đây là thời điểm các đồng Coin/Token được chính thức niêm yết lên các sàn nổi tiếng như Poloniex, Bittrex, Okcoin…Đây là giai đoạn mà các nhà đầu tư trông chờ nhất. Giá trị của đồng Coin/Token sẽ được quyết định bởi cung cầu thị trường và tất nhiên là cả lãi lỗ của nhà đâu tư.
IEO là gì?
IEO – Initial Exchange Offering, tạm dịch là Phát hành Coin lần đầu qua các sàn giao dịch. Đây là một sự kiện gây quỹ được quản lý bởi một sàn giao dịch thay vì để tự nhà phát hành giao dịch với công chúng.
Hiểu đơn giản, các nhà phát hành sẽ tạo ra Token và gửi chúng đến một sàn giao dịch. Sàn giao dịch này sau đó sẽ bán những Token này cho nhà đầu tư thông qua BTC, ETH…Nhà đầu tư bắt buộc phải có tài khoản giao dịch trên sàn đó để tham gia IEO.
Ưu điểm của IEO
Bảo mật tốt hơn, hạn chế những dự án lừa đảo: vì bản chất của IEO là phải thông qua một sàn giao dịch nên lẽ tự nhiên là nhà đầu tư sẽ có thêm một lớp bảo vệ nữa – các sàn thường sẽ có nhân viên phụ trách chuyên môn thẩm định độ khả thi và khả năng thành công của dự án trước khi được IEO. Điều này sẽ giảm thiểu các nguy cơ gặp phải các dự án lừa đảo hoặc chuyên môn kém cho các nhà đầu tư.
Win-win cho nhà phát hành và sàn giao dịch: nhờ vào IEO mà các sàn giao dịch sẽ thu hút được nhiều tài khoản đăng ký tham gia vào hệ thống của họ hơn. Các nhà phát hành qua đó cũng được truyền thông một cách gián tiếp cho dự án của họ thông qua các sàn này – một kết quả đôi bên cùng có lợi.
Nhược điểm của IEO
Chi phí phát hành cao: tất nhiên là IEO không chỉ toàn màu hồng, một điểm yếu chí mạng của IEO là nó thường kéo theo chi phí phát hành cao cho các dự án khởi nghiệp. Chi phí phát hành thường sẽ bắt đầu từ 2 BTC (với giá cả hiện tại đâu đó tầm gần $80K).
Thị trường dễ bị thao túng: thông thường, các dự án IEO sẽ chỉ bán một phần Token ra công chúng, phần lớn còn lại sẽ được nắm giữ bởi nhóm phát triển và các nhà đầu tư thiên thần (cá mập). Do bị chi phối (về số lượng) bởi một số ít cá nhân/tổ chức, giá của các đồng Coin/Token phát hành qua IEO vẫn có rất nhiều nguy cơ bị thao túng.
Một số sàn IEO uy tín
- Binance Launchpad
- Huobi Prime
- OKEx Jumpstart
- Probit Launchpad
- Coineal Launchpad
IDO là gì?
IDO – Initial DEX Offering, tạm dịch là phân phối Coin lần đầu trên sàn DEX. DEX là viết tắt của Decentralized Exchange – sàn giao dịch phi tập trung. Bạn đọc nếu còn chưa nắm rõ các thuât ngữ Crypto có thể tham khảo thêm bài viết của Moneytory tại đây.
Như vậy chúng ta có thể nhìn ra sự “tiến hóa” của các hình thức huy động vốn trong cộng đồng Crypto từ ICO tới IEO và bây giờ là IDO. Nhìn chung những hình thức sinh sau luôn cố gắng hoàn thiện hơn yếu điểm của những hình thức đi trước.
Về bản chất, IDO cũng tương tự IEO, tức là nhóm phát triển/phát hành sẽ bán Token/Coin của họ qua các sàn giao dịch; chỉ khác ở đây sàn giao dịch của IDO là sàn giao dịch phi tập trung.
Vì được niêm yết trên các sàn DEX, tức là không có trung gian, các dự án IDO có thể trực tiếp phát hành mà không cần sự cho phép của bên thứ 3 (như trong trường hợp của IEO). Tương ứng cũng không cần trả phí phát hành cho bên thứ 3 nào cả.
Đọc tới đây hẳn nhiều bạn đọc sẽ thắc mắc “vậy IDO có khác gì ICO đâu?” Đây là một câu hỏi hợp lý. Thực tế là IDO sẽ được “thẩm định” bởi cộng đồng. Những thành viên trong đại cộng đồng Crypto sẽ tham gia góp ý và kiểm duyệt các dự án IDO trong quá trình chúng được niêm yết. Cùng lúc đó, họ cũng chính là những nhà đầu tư tham gia tranh suất được mua Token qua IDO.
Ưu điểm của IDO
Tối ưu hóa chi phí và thời gian: rõ ràng là so với những hình thức khác thì IDO là tối ưu cho nhà phát hành về mặt chi phí. Nhà phát hành hầu như không bị yêu cầu phải trả phí phát hành hoặc có thì cũng rất ít so với các hình thức “truyền thống” khác như ICO và IEO.
Độ tiếp cận cộng đồng cao hơn: do bản chất là những dự án IDO sẽ được “thẩm định” ngang hàng, bởi cộng đồng, nên hầu như sẽ không có yếu tố thiên vị hay thành kiến nào ảnh hưởng tới sự thành công của một sự kiện huy động vốn. Hơn thế nữa, do được truyền thông miệng bởi cộng đồng nên các dự án IDO cũng có tính lan tỏa rất nhanh.
Nhược điểm của IDO
Cơ hội mua được IDO rất thấp: tiếng Việt mình có câu “mật ít ruồi nhiều”, do tính tiếp cận cộng đồng cao và thường sẽ bị hạn chế số lượng phát hành (để tạo độ hiếm hoi trên thị trường), số lượng nhà đầu tư đăng ký mua được IDO (được gọi là vào được whitelist) sẽ rất ít so với số lượng người đăng ký.
Cơ chế whitelist không thực sự minh bạch: vì không có trọng tài trong cuộc chơi này nên những nhà đầu tư có chuyên môn kĩ thuật cao và sẵn sàng sử dụng công cụ để giành lợi thế luôn có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn số đông còn lại.
Rủi ro mất vốn khi tham gia IDO: một điểm nữa cần lưu ý do bản chất của IDO là sàn DEX niêm yết sẽ yêu cầu nhà đầu tư giữ một lượng Token nhất định của của sàn DEX (dùng để hỗ trợ hệ thống thông qua cơ chế POS – Proof of Stake). Nên nhà đầu tư sẽ đối diện với “nguy cơ kép” – nếu không được whitelist mà đồng Token của sàn DEX bị sụt giá trên thị trường thì nhà đầu tư sẽ “thiệt đơn thiệt kép”.
Tất nhiên nếu vừa được whitelist đồng Token nắm giữ vừa tăng giá thì đó là lãi kép. Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định đầu tư hoặc cố gắng tham gia đầu tư vào các dự án IDO.
Lời kết
Về bản chất cả 3 hình thức ICO, IEO và IDO đều có chung một mục đích là để huy động vốn cho các dự án khởi nghiệp sử dụng công nghệ blockchain. Mỗi một hình thức có những ưu nhược điểm của riêng nó nhưng nhìn chung cái đến sau đều hướng tới mục tiêu là cải thiện những nhược điểm lớn của cái đi trước.
Thị trường Crypto cũng như công nghệ blockchain đang phát triển rất sôi động đi kèm với nhiều cơ hội đầu tư cũng như rủi ro khắc nghiệt. Nhà đầu tư được khuyến cáo tìm hiểu thật kỹ các hình thức đầu tư của cộng đồng Crypto trước khi xuống tiền để tránh những rủi ro không đáng có.