Phân tích tổng hợp các quỹ mở Dragon Capital

Theo dõi Moneytory trên
phân tích quỹ mở dragon capital-finpedia

Như đã giới thiệu trong những series bài viết trước về quỹ mở cũng như cập nhật về kết quả hoạt động của các quỹ nổi bật trên thị trường Việt Nam đầu năm nay, Moneytory muốn tiếp tục gửi tới các bạn những bài phân tích chi tiết hơn về các quỹ này mà cụ thể là các quỹ mở Dragon Capital.

Xem thêm:Quỹ mở là gì?Tổng hợp KQHĐ các quỹ mở nổi bật

Phân tích các quỹ mở của VinaCapital

Chủ đề của bài viết này sẽ là phân tích về một đại gia khác của làng quỹ đầu tư Việt Nam – Dragon Capital và 2 quỹ mở nổi bật của họ là DCDS và VFMVSF.

Dragon Capital là ai?

“Công ty Cổ Phần Quản Lý Quỹ Đầu Tư Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) được thành lập dựa trên sự hợp tác toàn diện giữa hai tổ chức tài chính hàng đầu Việt Nam là Dragon Capital và Công ty Cổ Phần Quản Lý Quỹ Đầu Tư Việt Nam.

Các sản phẩm đầu tư của VFM từ cổ phiếu, trái phiếu đều có hiệu quả hoạt động trong nhóm dẫn đầu thị trường, đặc biệt các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) của DCVFM là sản phẩm ETF nội địa duy nhất đang hoạt động tốt tại Việt Nam và được niêm yết gián tiếp trên sàn chứng khoán Hàn Quốc và Thái Lan.

Tổng quy mô tài sản mà Dragon Capital Group đang quản lý đến nay là hơn 77,000 tỷ đồng (gần 4 tỷ Đô La), công ty có dịch vụ sản phẩm đa dạng đáp ứng nhu cầu cho cả nhà đầu tư tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.”

Đó là những thông tin chúng ta có thể tìm được trên website chính thức của Dragon Capital. Nhìn chung Dragon là một trong những công ty quản lý quỹ không những là lớn nhất mà có lẽ cũng có tuổi đời gạo cội nhất trên thị trường Việt Nam khi quỹ được thành lập từ những năm 1994.

Các quỹ mở Dragon Capital

Hiện Dragon Capital có khá nhiều các sản phẩm đầu tư đa dạng, trong đó nổi bật là 5 sản phẩm quỹ mở và 2 sản phẩm ETF:

  • DCDS: quỹ đầu tư chứng khoán Năng động DC (tên cũ VF1) – quỹ đại chúng đầu tiên của Việt Nam từ 2004
  • DCBC: quỹ đầu tư doanh nghiệp hàng đầu DC – quỹ cổ phiếu
  • DCBF: quỹ đầu tư trái phiếu DC
  • VFMVSF: quỹ đầu tư cổ phiếu
  • DCIP: quỹ đầu tư trái phiếu gia tăng thu nhập cố định DC
  • ETF VFMVN30: mã giao dịch E1VFVN30 – quỹ ETF dùng chỉ số VN30 làm tham chiếu
  • ETF VFMVN DIAMOND: mã giao dịch FUEVFVND – quỹ ETF dùng chỉ số VN DIAMOND làm tham chiếu

Xem thêm bài viết về Tổng hợp các quỹ ETF nổi bật tại Việt Nam đầu năm 2022

Phân tích quỹ DCDS

Tổng quan

  • Tên quỹ: Quỹ Đầu tư chứng khoán năng động DC (DC Dynamic Securities Fund)
  • Tên viết tắt: DCDS
  • Ngày thành lập: 04/2004 theo giấy phép 05/GCN-UBCK
  • Phí quản lý: 2.4% NAV/năm
  • Phí mua vào CCQ: 0.6% (giao dịch dưới 20 triệu); 0% (giao dịch trên 20 triệu)
  • Phí bán ra CCQ: 2.5% (thời gian nắm giữ <=180 ngày); 1.5% (thời gian nắm CCQ từ 3 tháng tới 1 năm); 0.5% (thời gian nắm giữ từ 1 năm tới 2 năm); 0% (cho thời gian nắm giữ hơn 2 năm)

Cách tiếp cận

Mục tiêu mà Quỹ đầu tư DCDS nhắm đến là xây dựng được một danh mục đầu tư cân đối và đa dạng nhằm tối ưu hóa lợi nhuận, tối thiểu hóa các rủi ro cho nguồn vốn đầu tư của quỹ. Phần lớn các thương vụ đầu tư sẽ được tập trung vào các loại chứng khoán đang và sẽ niêm yết trên TTCK Việt Nam. Chứng khoán này bao gồm chứng khoán của các công ty đang niêm yết trên thị trường, các loại trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, cổ phiếu của các công ty cổ phần. Ngoài ra, mục tiêu của quỹ còn nhắm đến trong quá trình đầu tư là giúp các đơn vị tái cơ cấu về mặt tài chính, phát triển hệ thống quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh… nhằm làm gia tăng giá trị của chính các công ty này và vì thế gia tăng về mặt giá trị các khoản đầu tư của Quỹ đầu tư DCDS.

Danh mục đầu tư

Khác với các quỹ mở khác, Dragon Capital tỏ ra rất “hào phóng” khi họ công khai rất chi tiết danh mục đầu tư của mình trong các báo cáo tài chính. Hiện DCDS đang đầu tư vào 38 mã cổ phiếu (chiếm khoảng 78% tổng tài sản của quỹ) và khoảng 5 loại trái phiếu (chiếm 5% tài sản quỹ), còn lại là Tiền và tương đương tiền chiếm khoảng 17% tổng tài sản quỹ.

Phân bổ tài sản theo ngành

Phân bổ quỹ DCDS theo ngành
Phân bổ quỹ DCDS theo ngành. Nguồn: Moneytory

Theo như bảng phân chia này thì rõ ràng ngành ngân hàng và bất động sản cũng vẫn nhóm ngành tập trung đầu tư của quỹ DCDS.

Hồ sơ Giám đốc quản lý quỹ

Hiện bà Lương Thị Mỹ Hạnh đang là người quản lý quỹ DCDS. Dưới đây là một số thông tin tìm được trên website của Dragon Capital:

“Bà Lương Thị Mỹ Hạnh, CFA, tốt nghiệp hạng ưu trường Đại học Kinh tế, ngành Quản trị kinh doanh. Ngoài việc tham gia các chương trình huấn luyện về đầu tư chứng khoán, quản trị ở trong và ngoài nước, Bà vinh dự là thành viên của Hiệp hội CFA. Năm 2012, Bà Hạnh tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị kinh doanh Trường Đại học Gloucestershire (Anh Quốc).

Bà Hạnh có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư tài chính, 3 năm kinh nghiệm về tài chính kiểm toán tại công ty TNHH KPMG Việt Nam. Tham gia vào công ty DCVFM vào những ngày đầu thành lập, bà Hạnh phụ trách phân tích và thực hiện các thương vụ đầu tư thành công cho cho các Quỹ mà công ty quản lý. Năm 2005, Bà Hạnh được bổ nhiệm Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư, phụ trách quản lý các hoạt động đầu tư của Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VF1), đưa Quỹ đầu tư VF1 thành quỹ trong nước có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất năm 2006 theo bảng tổng hợp và đánh giá của tổ chức LCF Rothschild.

Năm 2008, Bà Lương Thị Mỹ Hạnh được bổ nhiệm làm Giám Đốc đầu tư, chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động đầu tư và quản lý hiệu quả các Quỹ.”

Hiệu quả đầu tư của quỹ


Theo thống kê thì quỹ DCDS có hiệu suất sinh lời cũng khá tốt: trong 7 năm từ 2015 tới 2021 họ có tới 6 năm thắng được tăng trưởng của thị trường (dùng chỉ số VN-Index làm tham chiếu). Lưu ý là tỉ lệ Thắng/thua được tính sau khi đã trừ đi phí quản lý của quỹ.

Tổng kết ra từ năm 2015 tới hết 2021, chỉ số VN-Index tăng trưởng tổng cộng 158.8% còn DCDS tăng trưởng 231.1% (tính dựa vào NAV/CCQ). Tức là hiệu quả đầu tư là khá ấn tượng so với thị trường.

Nhận định

DCDS đang “thắng” thị trường với mức chênh lệch khá ấn tượng. Moneytory khuyến khích Nhà đầu tư  xem xét thêm CCQ của DCDS vào danh mục đầu tư của mình!

Phân tích quỹ VFMVSF

Tổng quan

  • Tên quỹ: Quỹ Đầu tư cổ phiếu Việt Nam chọn lọc (Vietnam Select Equities Investment Fund)
  • Tên viết tắt: VFMVSF
  • Ngày thành lập: 29/12/2017 theo giấy phép 91/GCN-UBCK
  • Phí quản lý: 2.4% NAV/năm
  • Phí mua vào CCQ: 0.6% (giao dịch dưới 20 triệu); 0% (giao dịch trên 20 triệu)
  • Phí bán ra CCQ: 2.5% (thời gian nắm giữ <=180 ngày); 1.5% (thời gian nắm CCQ từ 3 tháng tới 1 năm); 0.5% (thời gian nắm giữ từ 1 năm tới 2 năm); 0% (cho thời gian nắm giữ hơn 2 năm)

Cách tiếp cận

“Quỹ VFMVSF đầu tư chủ yếu vào cổ phiếu của các công ty hiện đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam có vốn hóa trung bình và lớn ở tất cả ngành nghề. Quỹ sẽ tận dụng các cơ hội đầu tư đến từ xu hướng tăng trưởng dài hạn của cơ cấu dân số, quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế sang tư nhân và cổ phần hóa, và sự cải thiện về quản trị doanh nghiệp và quy định pháp lý minh bạch theo chuẩn mực quốc tế. Danh mục chứng khoán của Quỹ có thể nắm tập trung tại một số công ty ở một vài ngành nghề cụ thể.”

Danh mục đầu tư


VFMVSF đang đầu tư vào 23 mã cổ phiếu (chiếm khoảng 95.4% tổng tài sản của quỹ), còn lại là Tiền và tương đương tiền chiếm khoảng 4.2% tổng tài sản quỹ.

Top 10 mã cổ phiếu có tỉ trọng lớn nhất được đánh dấu xanh trong danh sách!

Phân bổ tài sản theo ngành

Phân bổ tài sản quỹ VFMVSF theo ngành hàng
Phân bổ tài sản quỹ VFMVSF theo ngành hàng. Nguồn: Moneytory

Có một sự khác biệt so với các quỹ mở khác là VFMVSF phân bổ 1 phần tài sản khá lớn của họ vào Bán lẻ.

Hồ sơ Giám đốc quản lý quỹ

Hiện tại theo như tìm hiểu của Moneytory thì người quản lý quỹ của VFMVSF là ông Beat Schurch. Tiểu sử của ông Beat Schurch theo như website của Dragon Capital giới thiệu như sau:

“Beat tốt nghiệp Thạc sĩ Kinh tế tại Đại học St. Gallen, Thụy Sĩ, vào năm 1992 và chuyển đến làm việc tại khu vực Đông Nam Á. Ông đã làm việc với các công ty sản xuất và thương mại của Thụy Sĩ trong toàn khu vực trong 10 năm. Ông chuyển từ lĩnh vực tiếp thị và dự án sang quản lý và vận hành trong các lĩnh vực đa dạng như năng lượng, chăm sóc sức khỏe, hóa chất, sản phẩm tiêu dùng và linh kiện máy móc. Năm 2002, Beat đến Thái Lan với tư cách là người đứng đầu bộ phận tư vấn kinh doanh của Synovate. Năm 2006, ông được Indochina Capital Group tại Việt Nam thuê làm Giám đốc tài chính và sau đó được thăng chức làm Giám đốc điều hành Bộ phận vốn cổ phần của công ty. Năm 2010, ông gia nhập Dragon Capital với vị trí Phó Tổng giám đốc vận hành và được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành tháng 12 năm 2017.”

Hiệu quả đầu tư của quỹ


Nhìn vào mức sinh lời này thì VFMVSF tỏ ra là một quỹ mở có kết quả khá tích cực. Mặc dù chênh lệch thắng so với thị trường không quá nhiều. Nhà đầu tư vẫn có thể xem xét bổ sung VFMVSF vào danh mục đầu tư của mình!

Bài viết liên quan