Năm 2021 là một năm có thể nói là điên rồ của thị trường chứng khoán Việt Nam. Có những thời điểm vào đầu tháng 2, chỉ số VN-Index chạm đáy ở mức dưới 1,000 điểm nhưng sau đó đã lập liên tiếp các kỉ lục chưa từng có của chứng khoán Việt Nam và kết thúc ở mức trên 1,500 điểm – một con số rất ấn tượng.
Cùng với đà đi lên của thị trường chứng khoán, các quỹ tương hỗ (mà rất nhiều người vẫn gọi là quỹ mở – nên Moneytory cũng sẽ bắt đầu gọi chúng là quỹ mở cho…hợp thời đại) cũng đã có một năm vô cùng thành công. Cá biệt có những quỹ có tăng trưởng lên tới 69% (như VESAF của Vinacapital).
Bạn đọc có thể tham khảo nhanh bảng dưới đây về một số quỹ mở có kết quả hoạt động tích cực nhất thị trường trong năm 2021. Lưu ý đây cũng không phải là TẤT CẢ các quỹ mở hiện đang hoạt động trên thị trường, nhưng Moneytory đã cố gắng lựa chọn ra những cái tên đáng lưu ý nhất và có tăng trưởng ấn tượng nhất.
Lưu ý thứ hai nữa là trong phạm vi bài viết này, Moneytory sẽ chỉ tập trung vào phân tích các quỹ mở cổ phiếu (hoặc cân bằng – tức có đầu tư cả cổ và trái phiếu). Những quỹ mở riêng về đầu tư trái phiếu sẽ được phân tích kỹ hơn ở những bài viết sau.
Xem thêm: Phân tích các quỹ mở của VinaCapital
Thống kê cập nhật tới hết tháng 2/2022
Đầu tư vào quỹ mở như thế nào?
Đầu tư vào quỹ mở có nghĩa là bạn sẽ phải mua Chứng chỉ quỹ (CCQ) từ Đơn vị quản lý quỹ/Tổ chức phát hành. Hiện có 2 kênh để bạn có thể đầu tư vào quỹ mở:
- Kênh thứ nhất là bạn có thể mua CCQ trực tiếp từ Đơn vị quản lý quỹ/Tổ chức phát hành. Hiện hầu như tất cả quỹ đều có bộ phận chuyên trách và nhà đầu tư hoàn toàn có thể mua trực tiếp từ họ.
- Ưu điểm của cách này là nhà đầu tư sẽ có lựa chọn đầu tư linh hoạt. Các Đơn vị quản lý quỹ thường sẽ cho phép nhà đầu tư mua CCQ bằng 1 trong 2 cách: mua 1 lần hoặc mua định kỳ hàng tháng.
Ví dụ minh họa: bạn có thể chọn gói VinaSip đăng ký mua tối thiểu hàng tháng 500K của Vina Capital.
- Nhược điểm: bạn sẽ phải chấp nhận một điều hơi phiền phức là bạn sẽ phải cài thêm khoảng 2, 3 cái ứng dụng của mỗi một Đơn vị quản lý quỹ: ví dụ như nếu bạn quyết định đầu tư vào các quỹ của Vina Capital thì sẽ phải cài ứng dụng Mio+, hoặc Dragon X (nếu đầu tư vào các quỹ của Dragon Capital) để quản lý và theo dõi tài sản của mình. Nếu sử dụng các nền tảng thứ ba thì bạn sẽ chỉ cần 1 ứng dụng để quản lý tất cả các khoản đầu tư của mình.
Hiện các ứng dụng đầu tư đã bắt đầu xuất hiện với tần suất dày hơn trên thị trường và nhà đầu tư nhỏ lẻ do đó cũng có nhiều phương án tiếp cận với quỹ mở hơn. Trong phạm vi bài viết này Moneytory sẽ giới thiệu tới các bạn 2 ứng dụng cho phép người dùng mua CCQ một cách trực diện:
- Fmarket: một ứng dụng thuần túy là kênh phân phối các CCQ của các quỹ mở tại Việt Nam. Đây là ứng dụng có nhiều lựa chọn về CCQ nhất thời điểm hiện tại, nếu bạn không muốn phải trực tiếp cài các ứng dụng của các quỹ. Ưu điểm thứ hai của fmarket là hiện các giao dịch hoàn toàn miễn phí, tức là nhà đầu tư không phải trả bất kì một loại phí mua nào. Nhược điểm là ứng dụng fmarket sẽ hơi nhàm chán vì nó chỉ có chức năng bán CCQ.
- Infina: một ứng dụng “lạ mà quen” trong làng đầu tư cá nhân. Infina mới mở rộng gói dịch vụ của nó và một trong số đó là cho phép nhà đầu tư mua CCQ. Nhược điểm là nếu chỉ tính riêng về quỹ mở thì Infina có ít lựa chọn hơn so với fmarket. Ưu điểm là ngoài quỹ mở ra thì Infina lại có nhiều dịch vụ hơn cho các nhà đầu tư cá nhân như đầu tư chứng khoán hoặc thậm chí mua chung bất động sản.
Một số lưu ý khi đầu tư quỹ mở
Phí quản lý quỹ cao
Đây là một nhược điểm khá lớn của các quỹ mở hiện nay – đó là họ thu phí quản lý quỹ rất cao. Cao ở đây là cao hơn nhiều so với mặt bằng thế giới. Ví dụ như ở Mỹ thì phí quản lý quỹ mở trung bình từ 0.5% tới 1% trong khi như các bạn có thể thấy ở bảng tổng kết trên cùng, hầu như các quỹ nổi bật ở Việt Nam đều thu phí trên 1.5%/năm. Có thể là thị trường quỹ mở Việt Nam còn khá mới và ít cạnh tranh nên các quỹ cũng tự tin cho phép mình được thu phí cao như vậy.
Điều này dẫn tới việc nhà đầu tư phải trừ phần trăm tăng trưởng hàng năm của quỹ đi khoản phí quản lý này để ra lợi nhuận thưc tế mà nhà đầu tư được hưởng (tất nhiên là vẫn trước khi trừ tiếp đi tỉ lệ lạm phát hàng năm nữa). Điều này có nghĩa là gì?
Ví dụ như quỹ BVFED có tăng trưởng năm 2021 là 35.95% tức là trên lý thuyêt nó đã “đánh bại” được mức tăng của thị trường (chỉ số VN-Index tăng 35.74% năm 2021). Tuy nhiên nếu trừ đi phí quản lý 1% thì thực tế là nhà đầu tư vào BVFED đã bị thị trường “đánh bại” trong năm 2021.
Phí quản lý cao cũng sẽ có ảnh hưởng RẤT LỚN tới lợi nhuận đầu tư trong dài hạn của nhà đầu tư do yếu tố lãi kép!
Hãy thử lấy ví dụ nếu bạn đầu tư vào 1 trong 2 lựa chọn là quỹ mở và ETF trong 20 năm để thấy sự khác biệt về tổng lợi nhuận trong dài hạn sẽ lớn như thế nào nhé!
Giả sử bạn có lựa chọn là đầu tư mỗi tháng 2,000,000 VND vào một quỹ mở hoặc 1 quỹ ETF trong vòng 20 năm tới. Quỹ mở có tỉ suất sinh lợi nhuận trung bình là 20%/ năm và phí quản lý là 1.75%/năm. Quỹ ETF có tỉ suất sinh lợi nhuận trung bình là 19%/năm và phí quản lý là 0.5%/năm. Ừ thì tất nhiên tỉ suất sinh lời thực của quỹ mở là 18.25% so với 18.5% của ETF thì rõ ràng là bạn sẽ có lợi nhuận tốt hơn ở năm thứ 20 nếu đầu tư ETF rồi. Nhưng hãy xem khoảng chênh lệch 0.25% lợi nhuận 1 năm là bao nhiêu, và bạn đã phải trả bao nhiêu phí quản lý cho các quỹ mở sau 20 năm nhé.
Quỹ mở | ETF | |
Tiền nộp gốc (tổng) – (1) | 480,000,000 | 480,000,000 |
Tiền sẽ thu về (tổng) (đã trừ phí quản lý) – (2) | 3,626,619,362 | 3,737,558,312 |
Tiền sẽ thu về (tổng) (không tính phí quản lý) – (3) | 4,480,551,991 | 3,970,032,438 |
Lợi nhuận sau 20 năm – (2) – (1) | 3,146,619,362 | 3,257,558,312 |
Chi phí trả phí quản lý quỹ – (3) – (2) | 853,932,629 | 232,474,126 |
Phí bán ra CCQ cao
Các quỹ thường sẽ không thu phí mua vào CCQ từ nhà đầu tư nhưng lại thu phí bán ra rất cao. Nhà đầu tư cần lưu ý chi tiết này trước khi quyết định xuống tiền mua CCQ. Phí bán ra cho thời gian nắm giữ CCQ dưới 1 năm có thể lên tới 2% tổng giá trị tài sản nên các nhà đầu tư nên cân nhắc đầu tư CCQ quỹ mở trong thời hạn dài (trên 3 năm) để tối ưu hóa lợi nhuận của mình.
Ví dụ biểu phí bán ra của các quỹ mở của Vina Capital.
Một số lưu ý khác khi giao dịch CCQ quỹ mở
- Hồ sơ cần có: thường các quỹ/các bên thứ ba sẽ yêu cầu nhà đầu tư KYC (xác nhận danh tính cá nhân) bằng cách chụp ảnh các hồ sơ bao gồm: chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân và chụp ảnh chân dung trên ứng dụng.
- Thời gian: các quỹ sẽ ghi nhận thời gian tạo lệnh chậm nhất là trước 14:00 các ngày trong tuần. Vì thế nếu bạn tạo lệnh mua/bán sau 14:00 ngày trong tuần thì lệnh sẽ được ghi nhận vào ngày làm việc gần nhất tiếp theo. Giao dịch CCQ thường sẽ được xác nhận trong vòng 24 giờ sau khi xác nhận chuyển tiền.
- Cú pháp chuyển tiền: truy cập vào website/ứng dụng của quỹ để thực hiện theo hướng dẫn chuyển tiền.
Lời kết
Tổng kết lại thì quỹ mở vẫn là một lựa chọn đầu tư rất đáng được cân nhắc, đặc biệt là với các nhà đầu tư ưa thích phương pháp đầu tư thụ động hoặc đơn giản là không có đủ thời gian để nghiên cứu chuyên sâu vào cổ phiếu.
Trong những bài viết sau, Moneytory sẽ có những bài viết phân tích chuyên sâu hơn về điểm mạnh và yếu (nếu có) của một số quỹ mở nổi bật. Hy vọng chúng tôi sẽ cung cấp được cho các bạn những thông tin hữu ích cho việc chọn cho mình được một lựa chọn đầu tư thích hợp nhất.
Ở thời điểm này thì Moneytory chỉ có một lời khuyên cho các nhà đầu tư là hãy tìm hiểu kỹ thông tin về các quỹ mở, đặc biệt là cân nhắc về phí quản lý của các quỹ hiện tại cũng như phải xác định thời hạn đầu tư dài hạn một chút để tối ưu hóa lợi nhuận từ các quỹ này.