Cẩm nang đầu tư cổ phiếu nhập môn

Theo dõi Moneytory trên
hướng dẫn đầu tư cổ phiếu nhập môn-finpedia

Bạn đang muốn đầu tư chứng khoán (cổ phiếu) nhưng chưa có kiến thức cơ bản? Chúc mừng, bạn đã tới đúng nơi cần tới rồi đó – Moneytory sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi cũng như cung cấp những kiến thức cơ bản nhất để bạn có thể bắt đầu đầu tư Cổ phiếu ngay bây giờ.

Bạn có biết: nếu đầu tư $10,000 vào chỉ số S&P 500 từ 50 năm trước thì hiện tại bạn sẽ có…$1.2 triệu? Đầu tư vào cổ phiếu, nếu làm đúng và nghiêm túc, là một trong những phương án tốt nhất để làm giàu. Vậy hãy cùng bắt đầu luôn nhé!

Chúng tôi đã tóm gọn lại những bước cần thực hiện trong đầu tư Cổ phiếu trong hình minh họa dưới đây. Đây cũng là hướng dẫn 5 bước mà bạn cần thuộc nằm lòng trước khi bắt đầu đầu tư.

hướng dẫn 5 bước đầu tư cổ phiếu
Hướng dẫn 5 bước đầu tư cổ phiếu cơ bản – Nguồn: Moneytory

Định hình chiến lược

Câu hỏi đầu tiên mà bạn hẳn cũng có đắn đo khi mới bước chân vào thị trường Cổ phiếu: đó là Tôi nên mua một (hoặc một vài) mã cổ phiếu riêng lẻ hay nên lựa chọn một phương án thụ động hơn?

Hãy thử bài kiểm tra nhanh dưới đây: câu nào sau đây thể hiện chính xác nhất con người bạn?

  • Tôi là một người lý tính và thích làm nghiên cứu cũng như thích làm việc với số má?
  • Tôi không thích tính toán nhiều và không muốn dành quá nhiều thời gian làm nghiên cứu
  • Tôi có thể dành ra vài tiếng mỗi tuần để nghiên cứu Cổ phiếu
  • Tôi có dành thời gian để đọc về các công ty tôi đầu tư vào (mua mã cổ phiếu của công ty đó), nhưng không có mong muốn làm bất kì cái gì liên quan tới tính toán gì cả
  • Tôi là một người bận rộn và không có thời gian để nghiên cứu và phân tích cổ phiếu

Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là: dù cho bạn chọn câu nào ở trên thì bạn vẫn (và nên) đầu tư vào Cổ phiếu. Điều duy nhất thay đổi sau bài kiểm tra đó là “cách tốt nhất dành cho bạn để đầu tư” mà thôi.

Các cách đầu tư cổ phiếu

  • Đầu tư vào các mã riêng lẻ: Bạn nên lựa chọn phương án này khi và chỉ khi bạn có thời gian và khao khát nghiên cứu và phân tích kĩ càng từng mã cổ phiếu một. Chưa kể bạn phải liên tục cập nhật và theo dõi danh mục đầu tư của mình trong suốt quá trình. Nếu bạn đảm bảo được những điều trên, chúng tôi nghĩ bạn là người phù hợp đi theo con đường đó. Ngược lại, nếu những thứ như báo cáo tài chính quý hay các phương trình tính toán không thực sự hấp dẫn với bạn, bạn nên suy nghĩ lựa chọn những phương án thụ động hơn.
  • Đầu tư vào các quỹ đầu tư chỉ số: Ngoại trừ phương án đầu tư vào các mã riêng lẻ (vốn là rất chủ động) ở trên, bạn cũng có thể lựa chọn đầu tư vào các quỹ đầu tư theo chỉ số (index fund). Các quỹ đầu tư theo chỉ số là các quỹ cố gắng mô phỏng một chỉ số tài chính nhất định (ví dụ như ở Mỹ có chỉ số S&P 500 được đánh giá là chỉ số thể hiện rõ nhất bộ mặt nền kinh tế của quốc gia này; ở Việt Nam chúng ta có chỉ số VN30 là tập hợp của 30 công ty hàng đầu cả nước).
  • Bạn có thể đọc kĩ hơn về định nghĩa của các quỹ chỉ số cũng như đầu tư chủ động và thụ động ở đây. Như ở ví dụ đầu bài viết, chỉ số S&P 500 đạt kết quả rất ổn định và lạc quan theo thời gian, tương ứng thì các quỹ chỉ số mô phỏng chỉ số này cũng có những kết quả tương tự. Đồng nghĩa với việc nếu bạn đầu tư vào các quỹ dạng này thì việc làm giàu là rất có cơ sở. Ở Việt Nam các quỹ chỉ số cũng đang có những kết quả hoạt động tương đối tốt, bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây.
  • Sử dụng các dịch vụ robo-advisors (tư vấn máy học): Đây là phương án “lai” của hai lựa chọn phía trên. Ngày nay với vào sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, các bạn có thể lựa chọn phương án này, các tư vấn viên robot có thể giúp bạn lựa chọn phương án đầu tư tối ưu dựa vào thông tin bạn đưa vào. Thậm chí một số còn có thể tối ưu hoá các nhu cầu khác như tối ưu hoá việc nộp thuế của bạn. Không may là dịch vụ robo-advisors vẫn chưa thịnh hành ở Việt Nam để các bạn có thể lựa chọn, nhưng có lẽ với sự bùng nổ của công nghệ gần đây thì chúng tôi nghĩ việc đó cũng sẽ sớm xảy ra thôi.

Xác định ngân sách

Đầu tiên, hãy nói về khoản tiền bạn…không nên đầu tư vào cổ phiếu. Chúng tôi khuyên bạn không nên đầu tư số tiền mà bạn có lẽ sẽ cần dùng tới trong vòng 5 năm tới vào thị trường chứng khoán.

Mặc dù thị trường chứng khoán hầu như chắc chắn sẽ tăng trong dài hạn (như ví dụ của S&P 500 hay VNIndex), nó lại có biên độ biến động quá lớn trong ngắn hạn. Thị trường có thể mất 20% giá trị trong một năm là chuyện bình thường. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã đã trải qua quãng thời gian tương tự năm 2008 (tổng kết năm 2008, VNIndex mất 605.45 điểm tức giảm 65.33%) Trong năm 2020, thị trường cũng biến động mạnh do ảnh hưởng của Covid: vào những phiên thấp nhất tháng 3 VNIndex giảm khoảng 25% so với đầu năm, nhưng tới giữa năm lại bật tăng mạnh và kết thúc năm tăng khoảng 17%.

Sau đây là những khoản tiền mà bạn không nên dùng để đầu tư cổ phiếu

  • Quỹ khẩn cấp của bạn (và gia đình)
  • Một số khoản chi đã lên kế hoạch từ trước (ví dụ tiền sửa nhà, tiền đám cưới, đám hỏi, vân vân)
  • Một số khoản chi phải trả dài hạn (ví dụ tiền vay trả góp mua nhà, mua xe, vân vân)

Phân bổ ngân sách đầu tư

Bây giờ hãy bàn về khoản tiền bạn có thể đầu tư. Để phân bổ khoản tiền đầu tư này một cách hợp lý, bạn cần xem xét những yếu tố quan trọng sau đây: độ tuổi của bạn, khẩu vị rủi ro và mục tiêu đầu tư.

Hãy bắt đầu với độ tuổi. Quan điểm chung của các chuyên gia là: bạn càng lớn tuổi thì Cổ phiếu lại càng không nên là một lựa chọn đầu tư chủ yếu. Vì như chúng tôi đã bàn ở trên thì cổ phiếu nên là một kênh đầu tư dài hạn – khi bạn còn trẻ, bạn có hàng thập kỉ phía trước để “vượt qua” những biến động ngắn hạn của thị trường, ngược lại khi bạn có tuổi hơn thì thời gian và cơ hội với Cổ phiếu cũng sẽ giảm sút và Cổ phiếu không nên là kênh chính để bạn đầu tư.

Sau đây là một luật bất thành văn về độ tuổi và cách phân bổ ngân sách đầu tư: bạn lấy 110 trừ đi số tuổi của bạn – đó sẽ là số phần trăm (tối đa) tương ứng mà bạn nên sắp xếp ngân sách đầu tư của mình vào Cổ phiếu (bao gồm cả ETF và các lựa chọn Cổ phiếu nói chung). Phần tài sản (tiền) còn lại nên được dùng để mua Trái phiếu hoặc gửi tiết kiệm. Bạn có thể thay đổi phần trăm phân bổ này tuỳ vào khẩu vị rủi ro của mình.

Ví dụ: nếu bạn 40 tuổi. Bạn nên đầu tư 70% tiền vào Cổ phiếu, và 30% vào các loại tiền gửi cố định (Trái phiếu và tài khoản tiết kiệm). Nếu bạn ưa thích mạo hiểm hơn thì có thể nâng phần trăm đầu tư vào Cổ phiếu lên, ngược lại thì bạn có thể suy nghĩ giảm con số đó xuống.

Mở tài khoản giao dịch Cổ phiếu

Tất cả những lời khuyên, luật bất thành văn hay hướng dẫn cũng chỉ là nói suông nếu bạn không thật sự đặt mình vào cuộc chơi. Và để làm được điều đó, bạn cần một tài khoản của các công ty môi giới chứng khoán.

Một số các công ty môi giới chứng khoán nổi tiếng trên thị trường bạn có thể chọn như: SSI, VNDirect, TCBS và rất rất nhiều những cái tên khác trên thị trường. Thị trường chứng khoán Việt Năm thăng hoa năm 2021 và tương ứng là sự trỗi dậy của các công ty chứng khoán. Việc tham gia thị trường hiện giờ thật sự rất đơn giản: bạn chỉ cần đăng kí một tài khoản (một số công ty cho phép làm việc này hoàn toàn online), nạp/chuyển tiền vào tài khoản đó và bắt đầu mua bán theo sở thích và phân tích của bạn thôi.

Các bạn cũng có thể tìm hiểu kĩ hơn về cách mở tài khoản và một số điểm lưu ý tại bài viết chuyên sâu của chúng tôi tại đây.

Lên danh mục đầu tư

Chúng ta đã bàn qua về việc làm sao để có thể giao dịch Cổ phiếu, tiếp theo là nhiệm vụ chọn mua mã Cổ phiếu nào và xây dựng một danh mục đầu tư ra sao để tối đa hoá lợi nhuận của bạn. Rất tiếc là không có một câu trả lời chung cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, chúng tôi muốn bạn làm quen với một số nguyên tắc sau đây:

  • Đa dạng hoá danh mục đầu tư
  • Đầu tư vào những ngành mà bạn có kiến thức hoặc sự hiểu biết nhất định.
    • Warren Buffett – nhà đầu tư huyền thoại của thế giới đã từng nói “Never invest in a business you cannot understand – Đừng bao giờ đầu tư vào những gì bạn không (thể) hiểu”

  • Đừng đầu tư vào những mã có biên độ giao động quá lớn cho tới khi bạn am hiểu hơn về thị trường
  • Luôn luôn tránh mua những mã cổ “trà đá” hay còn gọi là junk stocks
  • Học những kiến thức cơ bản về phân tích và định giá Cổ phiếu

Một điều nữa chúng tôi muốn nhấn mạnh là dù Đa dạng hoá danh mục đầu tư là một khái niệm hữu ích, bạn cũng không nên mua quá dàn trải. Thay vào đó, hãy tập trung vào những ngành mà bạn thật sự am hiểu – không có gì sai nếu cổ phiếu của một nhóm ngành cụ thể nào đó chiếm phần lớn trong danh mục đầu tư của một người cả.

Mua những mã cổ phiếu “tăng trưởng” vượt bậc thậm chí tăng chóng mặt trong thời gian ngắn rõ ràng là rất hấp dẫn với những người mới chân ướt chân ráo tham gia vào thị trường. Tuy nhiên chúng tôi vẫn muốn khuyên những người mới là hãy chọn xây dựng một danh mục vững chắc và an toàn hơn trước khi cảm thấy thoải mái với việc xử lý những mã cổ tăng trưởng nhanh đột biến như vậy.

Nếu bạn quyết định chọn phương án đầu tư chủ động thì hãy chịu khó học và nắm vững những kiến thức cơ bản về định giá cổ phiếu. Chúng tôi không thể nhấn mạnh hơn nữa về tầm quan trọng của việc này. Đọc hướng dẫn cơ bản của chúng tôi về Đầu tư giá trị có thể sẽ hữu ích cho các bạn. Song song, các bạn cũng nên kết hợp một số mã Cổ phiếu tăng trưởng để tối ưu lợi nhuận cho danh mục của mình. Đọc thêm về Đầu tư tăng trưởng tại đây.

Đầu tư là một quá trình dài hạn

Vâng, chúng tôi lại muốn dẫn một câu nói của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett “Nhà hiền triết xứ Omaha”

“If you aren’t thinking about owning a stock for 10 years, don’t even think about owning it for 10 minutes – Nếu bạn không nghĩ có thể nắm giữ một mã cổ phiếu trong 10 năm, đừng nghĩ tới việc mua nó dù chỉ trong 10 phút”

Ý nghĩa sâu xa của câu nói này là cách để kiếm lợi nhuận trong đầu tư Cổ phiếu là đầu tư vào những công ty/tập đoàn tốt với giá hợp lý và giữ chúng càng lâu càng tốt. Bởi vì một công ty tốt có hoạt động kinh doanh tốt, về dài hạn giá cổ phiếu của công ty đó cũng sẽ đi lên tương xứng với giá trị thặng dư nó mang lại. Vì vậy, có thể bạn sẽ phải chịu đựng biến động giá cổ phiếu trong ngắn hạn, nhưng nếu bạn thực sự lựa chọn được những công ty tốt, bạn chắc chắn sẽ thu được lợi nhuận tương xứng trong dài hạn.

Bài viết liên quan