Hướng dẫn làm quen phân tích cổ phiếu

Theo dõi Moneytory trên
Phân tích cổ phiếu: cơ bản và kỹ thuật-finpedia

Muốn đầu tư cổ phiếu thì phải biết cách nghiên cứu và phân tích cổ phiếu nhằm tìm ra những cơ hội đầu tư tốt. Phân tích cổ phiếu giúp chúng ta tìm được những mã cổ phiếu có giá “hời” so với giá trị thực tế của chúng hoặc những cơ hội giao dịch sinh lời trong ngắn hạn. Nắm bắt được những cơ hội sinh lời đó đương nhiên tương đương với việc bạn sẽ kiếm được nhiều lợi nhuận hơn xuyên suốt quá trình đầu tư.

2 phương pháp phân tích cổ phiếu

Phân tích cổ phiếu cơ bản (fundamental analysis)

Trước khi tìm hiểu khái niệm phân tích cơ bản, bạn phải hiểu khái niệm Giá trị nội tại (intrinsic value) của một mã Cổ phiếu. Giá trị nội tại của một cổ phiếu được định nghĩa là giá hợp lý của cổ phiếu đó được tính toán dựa vào các mô hình phân tích toán học thay vì chỉ dựa vào mức giá đang được giao dịch trên thị trường.

định nghĩa giá trị nội tại intrinsic value
Định nghĩa giá trị nội tại – Nguồn: Moneytory

Mục đích của các phân tích cơ bản là để tìm ra được mức giá Nội tại của một cổ phiếu, để xác định thời điểm tốt để mua vào – nếu mức giá nội tại của 1 mã cổ phiếu cao hơn giá thị trường của nó đang được giao dịch thì đó là mức hời để đầu tư vào mã đó.

đi tìm giá trị nội tại (intrinsic value)
Mục đích của phân tích cơ bản là để tìm giá trị nội tại (intrinsic value) của một cổ phiếu – Nguồn: Moneytory

Phân tích cổ phiếu kĩ thuật (technical analysis)

Cách tiếp cận này dựa trên một trường phái triết lý thị trường hoàn hảo – tức là thị trường luôn có đầy đủ thông tin và giá của mọi thứ đã được phản ánh đầy đủ dựa trên những thông tin đó. Phân tích kĩ thuật tin rằng bằng cách phân tích các thông tin quá khứ, chúng ta có thể dự đoán được các xu hướng tăng hoặc giảm giá trong tương lai. Nếu các bạn thấy ai nói về các “hình dạng biểu đồ” hoặc chỉ số sức mạnh tuơng đối (những thuật ngữ trong phân tích kĩ thuật) thì giờ các bạn hiểu họ đang nói về cái gì rồi đó.

Tóm tắt lại thì có thể hiểu như sau: phân tích cơ bản là một cách tiếp cận tìm kiếm những cơ hội trong dài hạn, trong khi phân tích kĩ thuật thì ngược lại – đi tìm cơ hội trong ngắn hạn. Chúng tôi tại Moneytory là những người đại diện cho trường phái đầu tư dài hạn, bởi vậy cũng sẽ khuyến khích các bạn tập trung vào phân tích cơ bản, điều sẽ tạo ra lợi nhuận lâu dài và ổn định.

Một số chỉ số phân tích cổ phiếu quan trọng

Bây giờ chúng ta sẽ đi sâu vào 4 chỉ số quan trọng và dễ hiểu trong đầu tư mà nhà đầu tư nào cũng nên nắm rõ để có thể hiểu được sức khoẻ tài chính của một công ty:

Price-to-earning (P/E) ratio:

Là chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (Price) với thu nhập trên một cổ phiếu (Earning per share – EPS). Ý nghĩa của chỉ số này thể hiện mức giá mà bạn sẵn sàng bỏ ra cho một đồng lợi nhuận thu được từ cổ phiếu. Hay, bạn sẵn sàng trả giá bao nhiêu cho cổ phiếu của một doanh nghiệp dựa trên lợi nhuận (thu nhập) của doanh nghiệp đó.

Công thức tính chỉ số P/E:

P/E = (Giá thị trường của cổ phiếu)/(Thu nhập trên một cổ phiếu)

Ví dụ: Giả sử giá thị trường tại thời điểm 31/12/2020 của cổ phiếu X là 22,000 đồng, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong năm của công ty này là 2,000 đồng. Như vậy, P/E của cổ phiếu X là 11.

Chỉ số PE càng cao thì chứng tỏ nhà đầu tư càng có nhiều niềm tin và hi vọng vào mã cổ phiếu đó. Chỉ số PE thường được dùng rộng rãi để so sánh các mã cổ phiếu trong cùng một ngành hàng – mỗi một ngành hàng sẽ có một chỉ số làm chuẩn và nhà đầu tư sẽ so sánh để tìm ra mã nào được coi là “rẻ” so với mặt bằng chung.

Price-to-earning-growth (PEG) ratio:

Chỉ số PEG là một chỉ số cấp tiến của chỉ số PE, nó được giới thiệu thêm một biến số là kì vọng tăng trưởng của thu nhập trên một cổ phiếu hằng năm. Chỉ số PEG được tính bằng công thức lấy P/E chia cho kì vọng tăng trưởng hằng năm: ví dụ: một cổ phiếu có chỉ số P/E là 20 và kì vọng sẽ tăng trưởng thu nhập 10% mỗi năm trong 5 năm tới thì chỉ số PEG của nó sẽ là 20/10 = 2. Chỉ số PEG càng nhỏ thì công ty đó càng tốt. Trên thực tế, chỉ số PEG lớn hơn 1 thì giá cổ phiếu của công ty đó được coi là đắt.

Price-to-book (P/B) ratio:

Là tỷ lệ được sử dụng để so sánh giá của một cổ phiếu với giá trị sổ sách của cổ phiếu đó. Tỷ lệ này được tính toán bằng cách lấy giá đóng cửa hiện tại của cổ phiếu chia cho giá trị ghi sổ tại quý gần nhất của cổ phiếu đó.

Công thức tính như sau:

P/B = (Giá cổ phiếu)/[(Tổng giá trị tài sản – giá trị tài sản vô hình – nợ)/Tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành]

Ví dụ: Giả sử một công ty có giá trị tài sản ghi nhận trên bảng cân đối kế toán là 200 tỷ đồng, tổng nợ 150 tỷ đồng, như vậy giá trị ghi sổ của công ty là 50 tỷ. Hiện tại công ty có 2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, như vậy giá trị ghi sổ của mỗi cổ phiếu là 25,000 VND. Nếu giá thị trường của cổ phiếu đang là 75,000 VND, thì P/B của cổ phiếu được tính như sau:

P/B = 75,000/25,000 = 3

Đối với các nhà đầu tư, P/B là công cụ giúp họ tìm kiếm các cổ phiếu có giá thấp mà phần lớn thị trường bỏ qua.

Nếu một doanh nghiệp đang bán cổ phần với mức giá thấp hơn giá trị ghi sổ của nó (tức là có tỷ lệ P/B nhỏ hơn 1), khi đó có hai trường hợp sẽ xảy ra: hoặc là thị trường đang nghĩ rằng giá trị tài sản của công ty đã bị thổi phồng quá mức, hoặc là thu nhập trên tài sản của công ty là quá thấp. Nếu như điều kiện đầu tiên xảy ra, các nhà đầu tư nên tránh xa các cổ phiếu này bởi vì giá trị tài sản của công ty sẽ nhanh chóng được thị trường điều chỉnh về đúng giá trị thật.

Còn nếu điều thứ hai đúng, thì có khả năng lãnh đạo mới của công ty hoặc các điều kiện kinh doanh mới sẽ đem lại những triển vọng kinh doanh cho công ty, tạo dòng thu nhập dương và tăng lợi nhuận cho các cổ đông.

Ngược lại, nếu một công ty có giá thị trường của cổ phiếu cao hơn giá trị ghi sổ thì đây thường là dấu hiệu cho thấy công ty làm ăn khá tốt, thu nhập trên tài sản cao.

Debt-to-EBITDA ratio:

Hệ số nợ/EBITDA là một tỉ lệ đo lường mức thu nhập được tạo ra và có sẵn để trả nợ trước khi trả lãi, thuế, chi phí khấu hao. Hệ số Nợ/EBITDA đo lường khả năng thanh toán nợ phát sinh của công ty. Một hệ số cao có thể cho thấy một công ty có gánh nặng nợ quá lớn.

Công thức tính chỉ số P/E:

Nợ/EBITDA = (Tổng nợ)/EBITDA

Chỉ số này là một chỉ số hữu ích cho nhà đầu tư mới – nó rất dễ tính và có thể dùng (một cách nhanh chóng) để đo lường sức khoẻ tài chính của một công ty/doanh nghiệp. Bạn chỉ việc vào xem Báo cáo tài chính của một công ty, tìm mục EBITDA và Tổng nợ là đã có thể tính được chỉ số này.

Chỉ số này càng cao cũng đồng nghĩa với độ rủi ro càng lớn – vì công ty/doanh nghiệp bạn muốn đầu tư có tỉ lệ nợ/lợi nhuận cao.

Hãy nhìn xa hơn những con số

Đây có lẽ là bước quan trọng nhất trong quá trình phân tích cổ phiếu. Mọi người ai cũng thích những chỉ số – tại vì chúng đơn giản và dễ áp dụng. Tuy nhiên nếu bạn suy nghĩ kĩ hơn về những chỉ số cơ bản chúng tôi vừa đề cập tới – bạn sẽ thấy những chỉ số đó thực ra không nói nên được nhiều điều, chúng chỉ có nội dung khi chúng ta áp đặt “ngữ cảnh” lên chúng.

Ví dụ: một cổ phiếu A có P/E là 12, và một mã khác B có P/E là 20, hiển nhiên là chúng ta sẽ nghĩ  A có giá tốt hơn B. Không hẳn! Chúng ta phải tìm hiểu xem mã A và B có cùng nhóm ngành hay không. Sau đó so sánh với “chuẩn” P/E của từng nhóm ngành hàng tương ứng. Có khi A vẫn đắt còn B lại có giá rẻ (so với ngành của chúng).

Tóm lại chúng tôi muốn nhắn nhủ các bạn là các Chỉ số là một công cụ tốt nếu được dùng đúng lúc và đúng “ngữ cảnh”. Tuy nhiên các bạn không nên chỉ theo đuổi các mã có giá “hời” mà vẫn nên quan niệm mình nên đầu tư vào những công ty TỐT. Với suy nghĩ đó, sau đây là 3 điểm quan trọng mà bạn cần nghiên cứu bổ sung trong quá trình phân tích của mình:

  • Lợi thế cạnh tranh lâu dài: là một nhà đầu tư dài hạn, chúng ta muốn thấy công ty mình đầu tư vào có lợi thế cạnh tranh có thể duy trì trong dài hạn. Bởi vậy chúng ta nên tìm hiểu những yếu tố nào có thể giúp công ty đó duy trì được lợi thế của nó như: sức mạnh thương hiệu, các bằng sáng chế, hệ thống phân phối lớn mạnh, vân vân – những ưu thế có thể dùng để chống lại sự cạnh tranh đến từ những công ty/đối thủ khác.
  • Hệ thống quản lý tốt: một công ty dù có sản phẩm tốt tới đâu và đang phát triển nhanh như thế nào cũng không thể bù đắp nổi một đội ngũ quản lý/lãnh đạo yếu kém. Một đội ngũ quản lý thường được ghi nhận là tốt khi CEO và các lãnh đạo khác có kiến thức và năng lực được kiểm chứng trong ngành cũng như có nhiều lợi ích kinh tế gắn bó chặt chẽ với công ty mà họ quản lý.
  • Tiềm năng ngành: nhà đầu tư cũng nên đầu tư vào các ngành còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Ví dụ: trong những năm đây, phần trăm bán lẻ online đã tăng trưởng vượt bậc từ mức dưới 1% lên khoảng xấp xỉ 5% toàn ngành. Rõ ràng thương mại điện tử là một ngành có kì vọng tăng trưởng lớn. Ở Việt Nam thì bán lẻ vẫn là một ngành đáng được mong đợi, bên cạnh đó còn những ngành lớn đóng góp đáng kể vào nền kinh tế như tài chính ngân hàng, bất động sản, năng lượng, vân vân.

Một ví dụ về phân tích cổ phiếu

Hãy lấy một ví dụ thực tiễn. Giả sử bạn muốn mua một mã cổ phiếu ngành bán lẻ và đang phân vân giữa 2 mã Digiworld (DGW) và Thế giới di động (MWG).

Đầu tiên là hãy làm một vài phép tính để xem chỉ số của 2 công ty như thế nào nhỉ:

Chỉ sốDGWMWG
P/E ratio25.822.5
PEG ratio0.991.3
P/B ratio7.45.1
Nợ/EBITDA1.61.8

Dưới đây là một vài điều rút ra sau khi so sánh các chỉ số của 2 công ty này: DGW có vẻ đắt hơn nếu so sánh P/E thuần tuý. Mặc dù P/E của DGW là chấp nhận được nếu biết mặt bằng chung của ngành bán lẻ đang là 25.7. Tuy nhiên ở những chỉ số còn lại thì DGW tỏ ra vượt trội hơn hẳn khi P/B, PEG và Nợ/EBITDA đều ở mức tốt.

Lời kết

Như đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, không có một cách làm “chuẩn không cần chỉnh” khi nói tới phân tích cổ phiếu. Mục tiêu cuối cùng của phân tích cổ phiếu là để bạn chọn cho mình được một mã mà bạn tin là đang có giá hời và sẽ mang lại lợi nhuận trong dài hạn. Phân tích cổ phiếu là rất hữu ích (và quan trọng) trong quá trình tham gia đầu tư cổ phiếu và cũng nhằm giảm thiểu rủi ro lựa chọn sai dẫn tới mất vốn hoặc thua lỗ.

Cũng cần nhấn mạnh là phân tích cổ phiếu là kiến thức cần có nhưng đầu tư chủ động hay thụ động là quyết định của mỗi người. Hãy cân nhắc những phương án đầu tư khác nhau như Quỹ tương hỗ hoặc Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) để cân đối thời gian và hiệu quả đầu tư bạn nhé.

Bài viết liên quan