Đầu tư vào cổ phiếu giá trị hay tăng trưởng là 2 trường phái đầu tư kinh điển. Chúng cũng giống như khái niệm âm và dương trong văn hóa Á Đông vậy – không thể khác hơn về bản chất là cách tiếp cận. Một mã cổ phiếu được đánh giá là “Giá trị” (Value) khi nó được định giá thấp hơn giá trị “thực” của nó – tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư mua vào với “giá hời”. Cổ phiếu tăng trưởng là nhóm cổ phiếu “sao sáng” – đang phát triển nhanh và nóng với kì vọng mang về doanh thu và tăng trưởng lớn mạnh.
Giới chứng khoán có xu hướng phân chia cổ phiếu vào chỉ 1 trong 2 nhóm “Giá trị” hoặc “Tăng trưởng”. Dĩ nhiên là thực tế thường phức tạp hơn như thế vì một số mã cổ phiếu có thể có đặc điểm của cả 2 nhóm trên. Dù sao thì, về cơ bản, 2 nhóm cổ phiếu này có những đặc điểm rất khác biệt và nhiều nhà đầu tư có xu hướng chỉ chọn đầu tư vào 1 trong 2, tạo nên 2 trường phái kinh điển mà chúng ta đã nhắc tới ở đầu.
Cổ phiếu tăng trưởng
Các công ty tăng trưởng (đại diện cho các mã cổ phiếu tăng trưởng) là những công ty đặt mục tiêu phát triển nhanh và vươn lên dẫn đầu ngành của họ trong thời gian sớm nhất có thể. Thường thì, điều này có nghĩa là những công ty này sẽ “hi sinh” lợi nhuận của họ trong ngắn hạn để tập trung hết nguồn lực vào tăng trưởng doanh thu. Chỉ khi nào họ cảm thấy mình đã dẫn đầu ngành khi đó họ mới tập trung cải thiện lợi nhuận.
Những công ty tăng trưởng được hưởng lợi ích cộng hưởng khi giá trị cổ phiếu của họ tăng, đồng nghĩa với việc uy tín và danh tiếng của công ty cũng tăng dẫn tới kết quả là công việc kinh doanh của họ (có thể) sẽ ngày càng thuận lợi hơn. Các công ty công nghệ có lẽ là những minh chứng sắc nét nhất đại diện cho nhóm này. Một điểm cần lưu ý nữa của nhóm công ty công nghệ là họ có nhiều tài sản vô hình (intangible assets) – những thứ rất khó được định giá chính xác bằng những công cụ tài chính truyền thống.
Cổ phiếu tăng trưởng do đó, có xu hướng được định giá cao trên thị trường. Những chỉ số tài chính như P/E hay P/B của họ thường cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của thị trường. Tất nhiên là bù lại, tốc độ tăng trưởng doanh thu của họ cũng cao hơn so với mặt bằng chung.
Cổ phiếu giá trị
Cổ phiếu giá trị là những cổ phiếu được niêm yết với giá tương đối “rẻ” so với doanh thu và lợi nhuận của chúng sẽ sinh ra trong dài hạn.
Cổ phiếu giá trị đương nhiên không hào nhoáng như Cổ phiếu tăng trưởng. Những công ty được đánh giá là giá trị thường là có mô hình kinh doanh ổn định, dễ dự đoán sẽ sinh ra doanh thu và lợi nhuận vừa phải trong dài hạn. Đôi lúc bạn có thể tìm thấy “giá trị” trong nhóm những công ty đang trong đà suy thoái. Kể cả trong sự suy thoái, giá cổ phiếu của chúng vẫn là hời so với dòng tiền chúng (vẫn) sẽ sinh ra trong dài hạn.
Bên nào tốt hơn: Tăng trưởng hay Giá trị?
Vẫn là câu hỏi đó: tóm lại cách đầu tư nào tốt hơn? Thực ra, cả 2 phong cách đầu tư đều có thể mang lại lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư. Quyết định đi theo con đường nào phụ thuộc rất nhiều vào mục tiêu tài chính và tính cách của nhà đầu tư.
Bạn nên chọn Cổ phiếu tăng trưởng nếu một trong những điều dưới đây phản ánh tính cách của bạn:
- Bạn không quan tâm tới lợi nhuận định kì trong danh mục đầu tư. Hầu như tất cả công ty tăng trưởng đều sẽ không chi trả cổ tức cho cổ đông. Đó là bởi vì họ sẽ ưu tiên tái đầu tư dòng tiền để duy trì tăng trưởng.
- Bạn thoải mái với biên độ giao động lớn của giá cổ phiếu. Giá cổ phiếu tăng trưởng thường khá nhạy cảm với các biến động trên thị trường – chúng có thể giao động lên xuống rất nhanh và thất thường.
- Bạn tự tin bạn có thể chọn mặt gửi vàng vào những mã “sẽ chiến thắng sau cùng”. Bạn thường sẽ chọn cổ phiếu tăng trưởng trong những ngành bản chất có tốc độ tăng trưởng cao, như ngành công nghệ chẳng hạn. Và cũng không có gì bất ngờ khi sẽ có nhiều công ty tăng trưởng phải cạnh tranh với nhau trong cùng ngành tương ứng. Việc chọn lựa càng nhiều cái tên có cơ hội thắng cao và tránh những cái tên có khả năng sẽ là kẻ thua cuộc là yếu tố sống còn trong cuộc chơi này.
- Bạn có nhiều thời gian trước khi cần chốt lời. Cổ phiếu tăng trưởng có thể cần nhiều thời gian để lên được đỉnh cao giá trị của chúng. Và thường chúng sẽ có nhiều trắc trở biến động trong khoảng thời gian đó. Hãy chắc chắn bạn có đủ thời gian và kiên nhẫn trong thời gian chờ đợi.
Ví dụ thực tế: Tesla – hãng sản xuất xe điện hàng đầu thế giới là một minh chứng sống của Cổ phiếu tăng trưởng. Cổ phiếu của Tesla (TSLA) đã tăng trưởng hơn…2,446% trong 5 năm qua. Tuy nhiên thực tế là cổ phiếu này chỉ tăng trưởng thực sự nóng từ đầu năm 2020. Trước đó thì cổ phiếu này cũng trải qua quãng thời gian dài tương đối biến động.
Bạn nên chọn cổ phiếu giá trị, nếu:
- Bạn vẫn muốn có thu nhập định kì. Rất nhiều cổ phiếu giá trị vẫn sẽ chi trả cổ tức cho cổ đông. Bởi lẽ những cổ phiếu này không có kì vọng phát triển rực rỡ thì chúng sẽ phải có một điểm nhấn nào đó khác để thu hút nhà đầu tư, và đó chính là trả cổ tức giá cao.
- Bạn thích giá cổ phiếu ổn định. Giá Cổ phiếu giá trị thường không có xu hướng biến động mạnh trên thị trường. Cũng như mô hình kinh doanh của chúng, giá của Cổ phiếu giá trị là “dễ đoán”.
- Bạn tự tin bạn có thể phân tích và chọn lựa đúng cổ phiếu giá trị. Trong nhiều trường hợp, một cổ phiếu có thể bị nhầm lẫn là “giá trị” – hay còn gọi là bẫy giá trị (value trap). Tức là chúng rẻ không phải do chúng bị định giá sai, mà là được định giá đúng. Đó có thể là một công ty đã bị mất đi giá trị cạnh tranh trên thị trường, không thể theo kịp xu hướng hoặc sự sáng tạo. Bạn phải đủ tỉnh táo để tránh mua phải những món hàng hớ đó.
- Bạn không cần lợi nhuận ngay lập tức. Cổ phiếu giá trị không tăng giá đột biến qua một đêm. Tuy nhiên, một công ty giá trị cũng có thể có giá cổ phiếu tăng lên tương đối nhanh. Những nhà đầu tư giá trị sẽ không để lỡ những “chuyến tàu” đó. Ví dụ thực tiễn: cổ phiếu Procter & Gamble (PG) là một đại diện không thể chối cãi trong nhóm Cổ phiếu giá trị. Trong thời gian 5 năm, cổ phiếu này “chỉ” tăng có 93.6% – tất nhiên không thể so sánh với TSLA. Tuy nhiên PG vẫn trả cổ tức đều đặn khoảng 2.47%/quý trong 5 năm vừa qua.
Lời kết
Trong dài hạn, không dễ để lựa chọn ra một cái tên chiến thắng giữa cổ phiếu Tăng trưởng và cổ phiếu Giá trị. Khi kinh tế phát triển tốt, Cổ phiếu tăng trưởng thường sẽ có tỉ suất lợi nhuận tốt hơn Cổ phiếu giá trị và ngược lại. Do đó, câu trả lời nhóm cổ phiếu nào tốt hơn còn phụ thuộc rất lớn vào tình hình kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định.