Tích luỹ làm giàu là mong muốn của tất cả mọi người. Và đầu tư là một phần quan trọng (nếu không muốn nói là quan trọng nhất) trong quá trình tích luỹ. Một người bình thường nếu không có một “vận may” hoặc một kì tích nào đó xuất hiện thì con đường tích luỹ làm giàu sẽ diễn ra trong một khoảng thời gian dài, đòi hỏi sự nhẫn nại của người tham gia. Tuy vậy cần nhắc lại một lần nữa: đầu tư là lựa chọn ổn định và hiệu quả nhất để tích luỹ tài sản.
Hãy cùng Moneytory điểm lại một lần nữa các phương thức đầu tư cơ bản nhất:
- Cổ phiếu
- Trái phiếu
- Bất động sản
- Các quỹ mở (Mutual Fund)
- Các quỹ hoán đổi danh mục (ETF)
Tại sao cổ phiếu lại là lựa chọn đầu tư tốt cho hầu hết tất cả mọi người
Chúng tôi khuyến khích tất cả mọi người nên có cổ phiếu trong danh mục đầu tư của mình. Là bởi vì cổ phiếu đã được bảo chứng qua thời gian là một phương tiện đầu tư mang lại hiệu quả tích luỹ tài sản cao trong dài hạn. Nếu nhìn vào thị trường Việt Nam chỉ số VNIndex tăng xấp xỉ 278% từ năm 2012 tới giờ; cùng thời gian đó, giá vàng trong nước tăng khoảng 46%. Rõ ràng là hiệu quả đầu tư của cổ phiếu vượt xa các “đối trọng” của nó trong cùng một khoảng thời gian. Điều này cũng đúng với các thị trường quốc tế khác – Cổ phiếu hiện vẫn là kênh đầu tư mang lại kết quả vượt trội so với các kênh khác.
Tại sao Cổ phiếu lại là một kênh đầu tư hiệu quả tới vậy? Lý do là khi bạn mua Cổ phiếu, bạn “sở hữu” một phần nhất định của một công ty (tập đoàn). Và khi nền kinh tế đi lên, giá trị của các công ty/tập đoàn trong nó cũng tăng lên, qua đó giá trị của những Cổ phiếu bạn sở hữu cũng gián tiếp tăng lên. Đó là ích lợi cơ bản của Tăng trị giá vốn (Capital Appreciation) – tức là nhà đầu tư sẽ đánh giá ngày càng cao giá trị Cổ phiếu của các công ty, tất nhiên là trong điều kiện cả nền kinh tế đang tăng trưởng. Chưa kể, bạn còn có thể được chia Cổ tức (Dividend) như một lợi ích cộng thêm của việc sở hữu cổ phiếu.
Như vậy là, chúng ta đã kết luận được Cổ phiếu nên là một phần quan trọng của mọi danh mục đầu tư. Vấn đề còn lại chỉ là “sở hữu chúng bao nhiêu % trong danh mục là hợp lý”.
Ví dụ, những người trẻ trong độ tuổi 30 có sức “chịu đựng” tốt hơn với biến động thị trường trong nhiều năm tới và có thể sở hữu hầu như 100% Cổ phiếu trong danh mục đầu tư của họ. Những người ở độ tuổi 70 nên sở hữu một vài mã Cổ phiếu để tăng trưởng, tuy nhiên nên “bảo vệ” danh mục của mình bằng cách giữ Trái phiếu và Tiền mặt là chính.
Có 2 rủi ro chính sở hữu Cổ phiếu:
- Biến động thị trường: Giá Cổ phiếu có thể biến động rất mạnh trong thời gian ngắn. Điều này rất mạo hiểm nếu bạn buộc phải bán cắt lỗ trong ngắn hạn.
- Rủi ro mất trắng: Nhà đầu tư Cổ phiếu có rủi ro mất trắng khi công ty mà họ mua Cổ phiếu làm ăn thất bại dẫn tới phá sản. Khi một công ty phá sản, người sở hữu Trái phiếu, chủ nợ và đối tác giao dịch được ưu tiên phân chia tài sản của công ty trước khi tới tay nhà đầu tư Cổ phiếu. Nên gần như đó sẽ là kịch bản mất trắng đối với các nhà đầu tư Cổ phiếu.
Bạn có thể hạn chế tối đa rủi ro bằng cách thực hiện hai điều sau đây.
Quản lý biến động
Nếu bạn chuẩn bị có một khoản phải chi lớn (hoặc liên tục) hoặc chuẩn bị tới tuổi nghỉ hưu, có lẽ ưu tiên hàng đầu của bạn không nên là những mã Cổ phiếu tăng phi mã nữa. Thay vào đó, bạn nên ưu tiên bảo vệ tài sản của mình – bạn nên suy nghĩ chuyển số tài sản mình cần sử dụng trong những năm tới từ Cổ phiếu sang những kênh khác ổn định và ít biến động hơn như Trái phiếu hoặc Tiền mặt.
Ngược lại, nếu bạn còn nhiều thời gian và chưa có khoản chi phí đáng kể nào cần suy nghĩ, thì “cứ giữ nguyên vị thế của mình” với danh mục Cổ phiếu là hành động tốt nhất để chống lại sự biến động của thị trường rồi. Nên nhớ là sau 2 cuộc đại khủng hoảng của thị trường chứng khoán, Cổ phiếu vẫn mang lại giá trị đầu tư tốt cho những người mua và giữ chúng.
Tránh rủi ro mất trắng
Cách tốt nhất để không rơi vào hoàn cảnh đó là lập một danh mục đầu tư đa dạng – tức là không bỏ hết trứng vào một giỏ – không tập trung quá nhiều tài sản của bạn vào một mã Cổ phiếu của một công ty, một nhóm ngành nghề nhất định nào đó. Cách tiếp cận này giúp bạn giảm thiểu rủi ro khi một vài mã mang lại kết quả không tốt, trong khi những mã còn lại vẫn sẽ sinh lời và bù đắp cho những mã không tốt kia.
Bạn nghĩ thế này nhé: nếu bạn đầu tư vào 20 mã cổ phiếu và một mã bị phá sản đi, thì bạn chỉ mất 5% tài sản của mình. Giả sử một mã tăng trưởng 2,000% giá trị, không những nó đã bù đắp cho khoản lỗ kia và còn tăng gấp đôi toàn bộ tài sản của bạn rồi. Đa dạng hoá danh mục đầu tư không những giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mất trắng khi đầu tư Cổ phiếu mà còn tăng độ phủ giúp bạn tích luỹ tốt hơn.
Tại sao bạn nên đầu tư vào Trái phiếu?
Bước đầu tiên và quan trọng nhất của quá trình tích luỹ chính là Tăng trưởng – tức là lúc khởi đầu thì bạn sẽ muốn tập trung vào mục tiêu tối ưu sự tăng trưởng danh mục đầu tư của mình. Đồng nghĩa với việc bạn sẽ muốn chọn những phương án có độ rủi ro cao hơn như Cổ phiếu hay thậm chí Bất động sản. Nhưng khi đến một thời điểm bạn đã sắp đạt được mục tiêu tài chính của mình, thì Trái phiếu là một lựa chọn hợp lý để giữ vững thành quả đầu tư trong dài hạn thay vì những lựa chọn khác rủi ro hơn.
Trái phiếu cũng có nhiều loại:
- Trái phiếu doanh nghiệp – là Trái phiếu mà chúng tôi bàn trong phạm vi bài viết này
- Trái phiếu chính phủ
Trái phiếu bản chất là chứng khoán nợ, có Mệnh giá và Lợi tức khá rõ ràng và dễ tính, vốn dĩ là ít biến động hơn Cổ phiếu rất nhiều. Xuyên suốt những lần biến động mạnh của thị trường chứng khoán, Trái phiếu luôn tỏ ra là một lựa chọn an toàn hơn Cổ phiếu.
Ở Việt Nam ngoài trừ lựa chọn có thể mua trực tiếp Trái phiếu doanh nghiệp thông qua các sàn môi giới, nhà đầu tư còn có thể lựa chọn đầu tư vào quỹ mở chuyên đầu tư trái phiếu.
Các bạn có thể tìm hiểu thêm về đề tài này ở bài viết về Quỹ mở của chúng tôi tại đây.
Dưới đây là một số cái tên quỹ mở trái phiếu mà các bạn có thể cân nhắc.
Tóm lại Trái phiếu là một lựa chọn sinh lời ổn định và khá an toàn. Nếu bạn đang ở trong những chu kì cuối của quá trình tích luỹ thì chúng tôi khuyến nghị bạn nên chuyển một phần danh mục của mình sang Trái phiếu để bảo toàn thành quả.
Tại sao nên đầu tư bất động sản
Ở phương Đông chúng ta thì suy nghĩ An cư lạc nghiệp vốn dĩ đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người, bao gồm cả thế hệ trẻ. Ở góc độ tài chính, đầu tư vào Bất động sản cũng là một phương án rất hiệu quả (nếu không muốn nói là hiệu quả nhất).
Một nghiên cứu của Batdongsan.com.vn đã chỉ ra, giá nhà tại trung tâm Tp.HCM tăng 21 lần chỉ sau 16 năm – tức là trung bình tăng 138%/năm.
Tuy nhiêu đầu tư Bất động sản từ xưa tới nay được coi là một hình thức đầu tư xa xỉ – vì giá trị của tài sản đầu tư quá lớn nên không phải nhà đầu tư nào cũng có thể tham gia vào. Tuy nhiên, với sự phát triển của các công cụ đầu tư hiện tại mà cụ thể là các Quỹ uỷ đầu tư tín thác Bất động sản (REITS – Real estate investment trust), thì nhà đầu tư đã có thể tham gia vào thị trường này một cách dễ dàng hơn cộng tuỳ biến ngân sách đầu vào tốt hơn.
Quỹ tín thác bất động sản là hình thức góp vốn cho một hay nhiều dự án bất động sản từ những cá nhân, tổ chức khác, thông qua việc phát hành các chứng từ có giá như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ.
Bạn có thể đọc thêm bài viết chuyên sâu về REITS của chúng tôi tại đây.
Một ưu điểm nữa của REITS là các quỹ thường sẽ phân chia 90% lợi nhuận hàng năm (cổ tức) cho nhà đầu tư vì lý do thuế (cũng như luật pháp quy định) – các quỹ sẽ không phải nộp thuế nếu đảm bảo được điều kiện trên.
Tuy nhiên điểm trừ là hiện vẫn chưa có nhiều REITS tại thị trường Việt Nam, quỹ nội đầu tiên và cũng có tiếng tăm nhất là quỹ TCREIT của Techcombank (mã giao dịch HOSE: FUCVREIT) thành lập từ năm 2017 tới nay. Rất đáng tiếc là hiệu quả đầu tư của quỹ này không cao lắm: hiện tại giá của 1 CCQ (Chứng chỉ quỹ) là 12,000, giảm nhẹ khoảng 6% so với giá chào sàn, tuy nhiên nên nhớ là nhà đầu tư được chia Cổ tức hàng năm (khoảng 11%/năm).
Tổng kết
Mỗi người sẽ có một hoàn cảnh và mục tiêu phấn đấu (về đầu tư) khác nhau. Moneytory khuyến khích các bạn hãy tìm hiểu thật kĩ điểm mạnh và yếu của từng phương án đầu tư cũng như đánh giá thật kĩ hiện trạng tài chính của mình để đặt ra một mục tiêu tài chính rõ ràng, qua đó mới có thể xây dựng được một kế hoạch và danh mục đầu tư phù hợp.
Đọc thêm về Đầu tư tài chính như thế nào ở đây