(*): Thời điểm viết bài là đầu năm 2023 nên thông tin bài viết có thể đã bị sai lệch nhiều!
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), việc phân ngành là một thông lệ không thể thiếu khi phân tích chứng khoán theo phương pháp phân tích cơ bản. Trong đó, nhà phân tích luôn xem xét doanh nghiệp trong tổng thể kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, đặc điểm, tính chất và khả năng phát triển của ngành mà doanh nghiệp đang kinh doanh. Từ đó, rút ra các đánh giá về doanh nghiệp trong tương quan với các doanh nghiệp khác cùng ngành và với các ngành khác. Hãy cùng Moneytory phân tích xem nhóm cổ phiếu nào có tiềm năng tăng trưởng lớn trong năm 2022 nhé.
Các nhóm ngành tại Việt Nam được phân chia như thế nào?
Trên thế giới hiện nay, tồn tại rất nhiều hệ thống phân ngành ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Tại Việt Nam VSIC 2007 (Hệ thống ngành kinh tế quốc dân) đang được chính thức áp dụng. Hệ thống VSIC 2007 gồm 21 ngành cấp 1, 88 ngành cấp 2, 242 ngành cấp 3, 437 ngành cấp 4 và 642 ngành cấp 5.
Tuy đã có các hệ thống phân ngành VSIC từ lâu, nhưng hiện nay trên TTCK Việt Nam, vẫn chưa có một tổ chức chính thức nào của Chính phủ thực hiện việc sắp xếp các doanh nghiệp niêm yết vào các nhóm phân ngành cụ thể. Hoạt động này mới chỉ được thực hiện tại một số các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư. Do áp dụng các tiêu chuẩn không thống nhất đa phần dựa trên ICB, GICS hoặc NAICS, nên cách thức sắp xếp doanh nghiệp của các công ty kể trên không giống nhau dẫn đến việc đưa ra các chỉ số tài chính của ngành rất khác biệt, tạo ra sự khó hiểu cho nhà đầu tư.
Trong phạm vi bài viết này, Moneytory sẽ tập trung phân tích một số ngành có mức vốn hóa thị trường lớn và có tốc độ tăng trưởng tốt trong năm 2021 để nhà đầu tư có thêm lựa chọn cho danh mục của mình.
Tổng quan ngành hàng trên TTCK Việt Nam 2021 (theo % vốn hóa)
Như các bạn thấy thì có một số ngành có tỉ lệ % vốn hóa rất cao như Ngân hàng, Bất động sản, Thực phẩm, Thép và sản phẩm thép, Phân phối xăng dầu và khí đốt – tổng 5 ngành hàng này đã chiếm gần 70% vốn hóa thị trường (của sàn HOSE).
Hãy cùng Moneytory đi vào tìm hiểu phân tích đặc điểm của những ngành lớn trên thị trường và những mã cổ phiểu đại diện cho từng ngành có nhiều kì vọng tặng trưởng trong năm 2022.
Ngành Ngân hàng
Nhóm ngân hàng được ví như “mạch máu” của nền kinh tế và đã chứng minh được hiệu quả hoạt động vượt trội bất chấp đại dịch.
Tính đến thời điểm tháng 11 năm 2021, Việt Nam có tổng cộng 49 ngân hàng:
- Ngân hàng Thương mại cổ phần: 31
- Ngân hàng liên doanh: 2
- Ngân hàng 100% vốn nhà nước: 4
- Ngân hàng 100% vốn nước ngoài: 9
- Ngân hàng chính sách: 2
- Ngân hàng hợp tác xã: 1
Chia làm 2 nhóm chính là:
Ngân hàng bán lẻ: nổi bật có VPB (ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng), TPB (Ngân hàng Tiên Phong) và OCB (Ngân hàng Phương Đông)
Ngân hàng bán buôn: nổi bật có VCB (ngân hàng TMCP Ngoại Thương), CTG (ngân hàng TMCP Công Thương), BID (ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam)
Kết quả kinh doanh (khái quát)
- Hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng Việt Nam duy trì tăng trưởng hai chữ số qua các năm từ 2016-2019 khoảng 18-24%, riêng năm 2020 do ảnh hưởng của Covid tăng trưởng chỉ 6.8%
- Thu nhập lãi thuần (thu nhập từ cho vay) đang có xu hướng chuyển dịch sang thu nhập ngoài lãi.
Xét về quy mô vốn hóa, 4 ngân hàng hàng đầu vẫn luôn duy trì vị trí dẫn đầu là VCB, BID, CTG và MBB. Tuy nhiên TCB và VPB đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021 để phá vỡ thế độc tôn này. Cụ thể: TCB đã vươn lên xếp thứ 3 chỉ sau VCB và BID, còn VPB xếp thứ 5 vượt qua MBB.
Phân tích cổ phiếu ngân hàng
Ngoài trừ chỉ số cơ bản như P/E hay P/B thì các nhà đầu tư cũng nên cân nhắc thêm các chỉ số dưới đây khi phân tích cổ phiếu nhóm ngân hàng.
Các chỉ số quan trọng phân tích cổ phiếu ngân hàng
- ROE – return on equity (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu): là tỷ số quan trọng nhất đối với các cổ đông, đo lường khả năng sinh lợi trên mỗi đồng vốn của cổ đông thường.
Công thức: ROE = Lợi nhuận ròng dành cho cổ đông thường/Vốn cổ phần thường
Chỉ số này là thước đo chính xác để đánh giá một đồng vốn bỏ ra và tích lũy tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận. Hệ số này thường được các nhà đầu tư phân tích để so sánh với các cổ phiếu cùng ngành trên thị trường, từ đó tham khảo khi quyết định mua cổ phiếu của công ty nào.
Tỷ lệ ROE càng cao càng chứng tỏ công ty sử dụng hiệu quả đồng vốn của cổ đông, có nghĩa là công ty đã cân đối một cách hài hòa giữa vốn cổ đông với vốn đi vay để khai thác lợi thế cạnh tranh của mình trong quá trình huy động vốn, mở rộng quy mô. Cho nên hệ số ROE càng cao thì các cổ phiếu càng hấp dẫn các nhà đầu tư hơn.
- ROA – return on assets (tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản), là chỉ tiêu đo lường khả năng sinh lợi trên mỗi đồng tài sản của công ty.
Công thức: ROA = Lợi nhuận ròng dành cho cổ đông thường/Tổng tài sản
ROA cung cấp cho nhà đầu tư thông tin về các khoản lãi được tạo ra từ lượng vốn đầu tư (hay lượng tài sản). ROA đối với các công ty cổ phần có sự khác biệt rất lớn và phụ thuộc nhiều vào ngành kinh doanh. Đó là lý do tại sao khi sử dụng ROA để so sánh các công ty, tốt hơn hết là nên so sánh ROA của mỗi công ty qua các năm và so giữa các công ty tương đồng nhau.
Tài sản của một công ty được hình thành từ vốn vay và vốn chủ sở hữu. Cả hai nguồn vốn này được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động của công ty. Hiệu quả của việc chuyển vốn đầu tư thành lợi nhuận được thể hiện qua ROA. ROA càng cao thì càng tốt vì công ty đang kiếm được nhiều tiền hơn trên lượng đầu tư ít hơn.
Ví dụ nếu công ty A có thu nhập ròng là 10 tỷ đồng, tổng tài sản là 50 tỷ đồng, khi đó tỷ lệ ROA là 20%. Tuy nhiên nếu công ty B cũng có khoản thu nhập tương tự trên tổng tài sản là 100 tỷ đồng, ROA của B sẽ là 10%. Như vậy, cùng mức lợi nhuận 10 tỷ đồng nhưng công ty A hiệu quả hơn.
- NIM – net interest margin (biên lãi ròng): là sự chênh lệch phần trăm giữa thu nhập tiền lãi phát sinh bởi tài sản sinh lời của ngân hàng (khoản vay và đầu tư) và các khoản chi phí chính – tiền lãi trả cho người gửi tiền – Hiệu số ròng giữa tiển lãi kiếm được và tiền lãi trả cho khách hàng là một số đo chính về khả năng sinh lợi của ngân hàng. Rõ ràng là NIM càng lớn thì ngân hàng đó đang làm ăn càng tốt rồi.
- Tỉ lệ nợ xấu: được dùng để chỉ các khoản nợ khó đòi, có thời hạn lớn và được cho là khó có khả năng thu hồi. Rõ ràng là tỉ lệ này càng cao thì càng…không tốt rồi.
Những mã cổ phiếu ngân hàng cần lưu ý
Hãy thử cùng so sánh các chỉ số cơ bản trên của nhóm top 10 mã cổ phiếu ngân hàng xem thế nào nhé
Dựa vào những chỉ số hoạt động của các ngân hàng cũng như mặt bằng chung toàn ngành sẽ có những cái mã nổi bật các nhà đầu tư cần lưu ý như sau:
- TCB – Ngân hàng TMCP Techcombank
- VPB – Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng
- ACB – Ngân hàng TMCP Á Châu
- VIB – Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam
- TPB – Ngân hàng TMCP Tiên Phong
Tương tự, hãy cùng Moneytory nhìn lại diễn biến của 5 mã cổ phiếu vừa được chọn lọc ra so với thị trường chung thì như thế nào nhé.
Dựa vào những chỉ số này thì 2 mã TCB và ACB rõ ràng là còn nhiều tiềm năng tăng trưởng!
Ngành Bất động sản
Theo nhận định của các chuyên gia, dù dịch bệnh vẫn còn, nhưng giai đoạn khó khăn nhất của thị trường đã qua, bức tranh thị trường bất động sản 2022 sẽ lạc quan hơn khi các hoạt động kinh tế phục hồi trở lại. Giá bất động sản sẽ tiếp tục xu hướng đi lên, bởi nhu cầu nhà ở của người dân tại các đô thị lớn là rất cao.
Điểm nhấn lớn nhất của ngành bất động sản nói chung trong năm 2021, trong một bức tranh gam màu xám, có lẽ là Thông tư 16 của Ngân hàng nhà nước – siết chặt hơn quy định giao dịch Trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng. Kênh Trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang là một kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp bất động sản tuy nhiên gần đây kênh này phát triển khá nóng và bộc lộ khá nhiều rủi ro. Chính sách mới là cần thiết để tránh những rủi ro về nợ Trái phiếu như đã (và đang) xảy ra với Evergrande của Trung Quốc. Thông tư 16 sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/01/2022.
Nhìn chung các doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản như Vingroup (VIC), Đất xanh group (DXG) được đánh giá là sẽ không bị ảnh hưởng gì từ Thông tư 16 này.
Cổ phiếu bất động sản cũng như ngành bất động sản, chúng có một số điểm đặc thù mà nhà đầu tư cần quan tâm trước khi quyết định đầu tư:
- Quỹ đất của các doanh nghiệp bất động sản: tạo lập quỹ đất là sống còn với các doanh nghiệp ngành này. Nhà đầu tư cần xem xét tính pháp lý của đất, phê duyệt quy hoạch, pháp lý về xây dựng, quy trình đền bù, vân vân.
- Lãi suất của các tổ chức tín dụng và lạm phát: đặc thù của thị trường bất động sản là luôn cần nguồn vốn để đầu tư, khai thác và vận hành. Chính vì vậy, tỉ lệ nợ vay của các doanh nghiệp bất động sản là yếu tố quan trọng hàng đầu để đánh giá sức khỏe tài chính của doanh nghiệp đó.
- Nếu lãi suất thấp, thì các doanh nghiệp bất động sản sẽ có biên lợi nhuận cao đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuê mua bất động sản. Hiện tại có thể có niềm tin là Ngân hàng nhà nước sẽ giữ mức lãi suất thấp như hiện tại trong năm 2022 để ổn định nền kinh tế.
- Nếu lãi suất cao, thì các doanh nghiệp bất động sản sẽ giảm biên lợi nhuận, đồng thời các tổ chức, cá nhân sẽ giảm việc thuê, mua bất động sản.
- Hàng tồn kho: là một rủi ro lớn trong ngành. Nhà đầu tư được khuyến khích xem kĩ mục này trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
- Tỉ lệ đòn bẩy tài chính: đây sẽ là phần được Moneytory phân tích kĩ hơn vì sau này sẽ dùng những chỉ số này để thực hiện đánh giá thực tiễn top 5 các doanh nghiệp lớn nhất trong ngành bất động sản để xem sức khỏe tài chính của họ như thế nào, có phải là những mã tiềm năng cho các bạn mua trong năm 2022 không
- Hệ số D/A – Debt/Assets: hệ số nợ trên tổng tài sản.
- Hệ số D/E – Debt/Equity: tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu.
- Hệ số chi trả lãi vay – EBIT/Total interest: hệ số doanh thu trước thuế/chi phí lãi vay.
- Chỉ số này > 1 chứng tỏ doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng trả lãi vay.
- Chỉ số này <1 chứng tỏ doanh nghiệp đã vay quá nhiều so với khả năng của mình, hoặc doanh nghiệp kinh doanh kém đến mức lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) thu được không đủ trả lãi vay
Hãy thử cùng Moneytory phân tích thử top 10 mã cổ phiếu bất động sản nhé
Sau khi phân tích và so sánh với trung bình ngành thì ta có thể rút gọn lại 5 cái tên có chỉ số khá đẹp và xứng đáng được cho vào rổ lựa chọn của nhà đầu tư cho năm mới 2022, đó là:
- VHM – CTCP Vinhomes
- VRE – CTCP Vincom Retail
- DIG – Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng
- PDR – CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt
- NLG – CTCP Đầu tư Nam Long
Hãy cùng xem những mã này đã tăng trưởng ra sao trong năm 2021
Như vậy là những mã VHM và VRE, thậm chí NLG đang tăng trưởng còn dưới mặt bằng chung của thị trường. Đây cũng là động lực để nhà đầu tư theo dõi thêm những mã cổ phiếu này.
Lời kết
Năm 2022 mang tới nhiều hi vọng về sự phục hồi của nền kinh tế sau hai năm khốc liệt. Đi cùng đó cũng là hi vọng của các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán tiếp nối đà thăng hoa của 2020 và 2021. Trên đây là phân tích của Moneytory về 2 ngành có vốn hóa thị trường lớn nhất hiện nay, hi vọng bài viết giúp ích được cho các bạn. Hãy theo dõi và ủng hộ chúng tôi nhiều hơn nữa nhé!