Thị trường chứng khoán hoạt động như thế nào

Theo dõi Moneytory trên
thị trường chứng khoán hoạt động như thế nào-finpedia

Nếu bạn mới bắt đầu làm quen với thị trường chứng khoán, với cổ phiếu, và cảm thấy ngợp và không biết bắt đầu từ đâu? Chúng tôi muốn khẳng định là bạn không phải người duy nhất có cảm giác đó.  Đầu tư vào cổ phiếu (và thành công) là một hành trình khó khăn và nó chưa bao giờ dễ dàng. Những câu chuyện trở thành tỉ phú sau một đêm nhờ chơi cổ phiếu nhan nhản trên mạng phần lớn là những câu chuyện thêu dệt không có thật và kể cả có thì cũng chỉ là thiểu số của thiểu số trong những người chơi cổ phiếu.

Thực tế là không có nhiều người tham gia thị trường chứng khoán sẽ kiếm được tiền. OK, nói tới đây nhiều người sẽ không đồng ý với nhận định trên vì “thị trường Việt Nam đang thăng hoa mà” hay “tôi thấy bạn bè người thân của tôi năm rồi ai cũng thắng hết”, vân vân. Thực ra đây là một chủ đề tương đối phức tạp, tuy nhiên các bạn có thể tin khi chúng tôi nói “phần đông người chơi cổ phiếu sẽ mất tiền trong dài hạn”. Cụ thể chúng ta sẽ phân tích kĩ hơn ở phần sau của bài viết này.

Có thể nhiều bạn đọc trung thành của Moneytory sẽ thắc mắc: Moneytory lúc nào cũng khuyên chúng tôi đầu tư vào Cổ phiếu, tại sao bây giờ lại phát biểu tiêu cực về Cổ phiếu như vậy? Để làm rõ, chúng tôi vẫn phải khẳng định lại một lần nữa: Cổ phiếu là một công cụ đầu tư cho tới thời điểm này vẫn là tốt nhất cho một người bình thường có kế hoạch tích lũy làm giàu. Tuy nhiên có sự khác biệt (rất lớn) giữa “chơi Cổ phiếu” và “đầu tư Cổ phiếu”.

Chúng tôi mong mọi nhà đầu tư mới bắt đầu hiểu được sự khác biệt này. Và đó cũng là mục tiêu của bài viết này – chúng tôi hi vọng sẽ giải đáp được một phần thắc mắc của các bạn về thị trường chứng khoán và cách mà nó vận hành.

Cổ phiếu là gì?

Khi chúng ta nói tới “thị trường chứng khoán” nhiều người sẽ nghĩ ngay tới cổ phiếu. Không biết có bạn nào đã thắc mắc tại sao chúng ta không gọi là “thị trường cổ phiếu” không? Thực ra sự ngộ nhận giữa hai khái niệm Chứng khoán và Cổ phiếu là một nhầm lẫn “dễ thương thủa ban đầu”, nhưng Moneytory cũng muốn nêu ra định nghĩa và sự khác nhau giữa hai khái niệm này như sau:

Chứng khoán là một bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu chứng khoán với tài sản hoặc vốn của công ty/tổ chức phát hành chứng khoán.

Cổ phiếu là một loại chứng khoán, xác nhận quyền sở hữu cổ phần của công ty/tổ chức phát hành.

Vậy là, như bạn thấy đó, thị trường chứng khoán là một thuật ngữ rộng hơn thị trường cổ phiếu. Cổ phiếu là một loại chứng khoán. Còn thị trường chứng khoán sẽ bao gồm rất nhiều loại chứng khoán khác nữa, có thể kể tên như Trái phiếu, Chứng chỉ quỹ (CCQ), Chứng khoán phái sinh và các chứng chỉ có nguồn gốc chứng khoán.

Ví dụ: một công ty A phát hành 100 cổ phiếu, 1 nhà đầu tư sở hữu 10 cổ phiếu tức là đang nắm 10/100 = 10% cổ phần của công ty A. (Trên thực tế thì số lương cổ phiếu lưu hành của một công ty đại chúng có thể lên tới hàng triệu thậm chí hàng tỉ cố phiếu, nên những nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ thường chỉ nắm giữ một số lượng nhỏ cổ phần của các công ty này).

Các loại cổ phiếu

Có 2 loại cổ phiếu chính: cổ phiếu thường/cổ phiếu phổ thông (common stock) và cổ phiếu ưu đãi (preferred stock).

Khác biệt lớn nhất của 2 loại cổ phiếu này là Quyền biểu quyết – những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết trong những vấn đề lớn của công ty (ví dụ như biểu quyết một quyết định nào đó của công ty tại Đại hội cổ đông thường niên) còn những người nắm giữ cổ phiếu ưu đãi thì (thường) không có quyền biểu quyết. Bù lại, cổ phiếu ưu đãi, tùy loại, sẽ có một trong những đặc quyền sau so với cổ phiếu phổ thông:

  • Ưu đãi cổ tức: được trả cổ tức cao hơn cổ phiếu phổ thông
  • Ưu đãi hoàn lại: được công ty hoàn lại vốn góp bất cứ khi nào theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được thỏa thuận trước
  • Ưu đãi biểu quyết: là cổ phiếu có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phiếu phổ thông. Cổ phiếu ưu đãi biểu quyết có các quyền khác như cổ đông phổ thông bao gồm quyền biểu quyết, dự họp đại hội cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, nhưng không được chuyển nhượng cổ phiếu đó cho người khác.

Tại sao công ty phát hành cổ phiếu

Huy động vốn

Một công ty phát triển nhanh luôn cần vốn, thậm chí rất nhiều vốn. Tới một thời điểm nhất định nào đó, công ty sẽ có nhu cầu một tăng vốn của mình thông qua hình thức Lần đầu phát hành ra công chúng (Initial Public Offering – IPO). Tức là công ty đó sẽ chào bán một lượng cổ phần nhất định của mình cho các nhà đầu tư một cách phổ biến, bằng việc niêm yết đầu tiên trên sàn chứng khoán. Số tiền thu được từ việc rao bán cổ phần sẽ dùng để mở rộng kinh doanh.

Làm tăng giá trị của công ty

Nếu cổ phiếu của công ty được đón nhận tốt bởi các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, điều này sẽ trực tiếp làm Tăng giá trị của công ty đó lên, bởi Giá trị của một công ty (Market Capitalization) = Giá thị trường cổ phiếu công ty đó x Số lượng cổ phiếu lưu hành. Giá trị của một công ty tăng lên (Capital Appreciation) là mục tiêu tối thượng của các nhà đầu tư, các nhà sáng lập, các nhân viên sở hữu cổ phần sớm.

Sàn giao dịch chứng khoán là gì?

Sàn giao dịch hay sàn giao dịch chứng khoán là một thị trường thứ cấp nơi các nhà đầu tư mua bán trao đổi chứng khoán với nhau.

Sàn giao dịch chứng khoán là nơi để các nhà đầu tư mua bán các loại cổ phiếu đã được niêm yết. Tuy nhiên các công ty niêm yết thì thường hiếm khi tương tác với sàn giao dịch. Tất nhiên là họ có những tương quan nhất định mỗi khi cần đăng kí niêm yết hoặc đăng kí phát hành cổ phiếu mới với sàn, nhưng nhìn chung các công ty không “xuất hiện” nhiều mà chủ yếu sàn là sân chơi của các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính với nhau. Mặc dù vậy thì như đã bàn, tăng giá trị cổ phiếu của công ty là một trong những mục tiêu và lợi ích tối thượng mà công ty phải mang về cho các cổ đông (lớn) cũng như đội ngũ quản trị (thường là những người có ràng buộc về cổ phần và tài chính với công ty đó).

Lịch sử sàn giao dịch?

Sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên xuất hiện ở châu Âu vào thế kỉ 16, 17 tại những thành phố cảng hoặc trung tâm giao thương như Antwerp, Amsterdam hay London. Những sàn chứng khoán này thực ra chủ yếu là giao dịch Trái phiếu chứ không phải Cổ phiếu như bây giờ. Vì phần lớn những công ty hồi đó không có phát hành Cổ phiếu vì thường là phải chịu sự chi phối của chính phủ lúc bấy giờ.

Vào cuối thế kỉ 18, các sàn giao dịch chứng khoán bắt đầu xuất hiện tại Mỹ, nổi bật hơn cả là sàn giao dịch chứng khoán New York (New York Stock Exchange – NYSE), và đã bắt đầu cho giao dịch cổ phiếu. Sàn giao dịch chứng khoán New York ra đời năm 1792. Trước thời điểm này các nhà môi giới (brokers) và các giao dịch viên (traders) thường gặp nhau dưới tán một cái cây trên đường Wall Street để tiến hành giao dịch. Nghe cái tên Wall Street có quen không các bạn?

Ngày nay có hàng trăm các sàn giao dịch chứng khoán lớn nhỏ trên toàn thế giới, và toàn bộ đều đã được số hóa và kết nối để hoạt động giao dịch chứng khoán trở nên nhanh và toàn cầu hóa hơn rất nhiều.

Thị trường OTC là gì?

Thị trường Over The Counter (OTC) hay còn gọi là thị trường giao dịch phi tập trung là thị trường được tổ chức không dựa vào các sàn giao dịch cố định (khái niệm chúng ta vừa bàn ở trên) mà dựa vào một hệ thống vận hành theo cơ chế chào giá cạnh tranh và thương lượng thông qua trợ giúp của các phương tiện thông tin.

Cổ phiếu giao dịch trên thị trường OTC cũng là những cổ phiếu của các công ty cổ phần chưa niêm yết trên sàn giao dịch cố định. Việc mua bán cổ phiếu trên thị trường OTC được thực hiện theo phương thức “thuận mua, vừa bán” mà không bị bất cứ một lực bên ngoài nào tác động.

Hiện Việt Nam có sàn Upcom, là sàn đăng kí giao dịch cổ phiếu của các công ty đại chúng nhưng chưa niêm yết. Trên lý thuyết sàn Upcom không phải sàn OTC 100%. Nếu muốn giao dịch OTC, nhà đầu tư hãy tìm hiểu về các công ty tài chính hoặc ngân hàng có cung cấp dịch vụ môi giới OTC sau đó trực tiếp giao dịch thông qua các đơn vị môi giới này. Một số cái tên có thể kể ra như Vietstock, VNDirect hoặc Sanotc.com

Giá Cổ phiếu trên thị trường được xác lập như thế nào?

Giá của một mã cổ phiếu chủ yếu là được định đoạt dựa vào cơ chế Đấu giá (auction). Hiện tại các sàn giao dịch chứng khoán trên thế giới có 2 loại cơ chế đấu giá chứng khoán chính: Cơ chế đấu giá theo giá và Cơ chế đấu giá theo lệnh.

Đấu giá theo giá (Quote-driven system)

Đây là một cơ chế thường được sử dụng trong giao dịch Trái phiếu, Tiền tệ và Chứng khoán phái sinh. Cơ chế này yêu cầu sự góp mặt của môi giới hay còn gọi là nhà tạo lập thị trường (market maker). Nói nôm na là theo cơ chế này người giao dịch sẽ giao dịch thông qua market maker, giá của chứng khoán cũng được xác định dựa trên giá của market maker đưa ra. Chúng ta sẽ đi sâu hơn vào chủ đề này ở một bài viết khác. Tuy nhiên điểm cần rút ra ở đây là: thị trường đấu giá theo giá sẽ có tính thanh khoản cao, do gần như chắc chắn tất cả các lệnh mua và bán sẽ được khớp với nhau do tác động của market maker. Tuy nhiên, cơ chế này cũng có điểm trừ của nó đó là sự thiếu minh bạch – market maker có thể bóp méo cơ chế xác lập giá trên thị trường và làm tăng chi phí giao dịch của nhà đầu tư.

Đấu giá theo lệnh (Order driven system)

Cơ chế này yêu cầu tất cả người mua và bán phải công khai lệnh của họ trên sàn (bao gồm giá hỏi mua vào, giá bán ra và số lượng mua/bán). Đây là cơ chế thường được áp dụng cho giao dịch Cổ phiếu và hiện Việt Nam cũng đang áp dụng cơ chế này. Sàn giao dịch áp dụng cơ chế này thường sẽ có những chỉ dẫn như dưới hình minh họa.

Ưu điểm của cơ chế này là tính minh bạch cao, tất cả các quy trình xác lập giá được thực hiện khách quan. Nhà đầu tư được giao dịch với mức giá tốt nhất bởi các lệnh mua và bán được cạnh tranh một cách công bằng.

Nhược điểm là tính thanh khoản sẽ không cao bằng cơ chế đấu giá theo giá – không phải 100% lệnh đều sẽ được khớp.

Hiện nay vẫn có một số sàn giao dịch lớn trên thế giới kết hợp sử dụng cả 2 cơ chế đấu giá này trong giao dịch chứng khoán: ví dụ như sàn NYSE hay Nasdaq.

Lợi ích của việc niêm yết trên sàn giao dịch

  • Niêm yết trên sàn đại biểu cho tính thanh khoản tốt – lợi ích thực tiễn cho những người nắm giữ cổ phẩn của một công ty
  • Niêm yết trên sàn cũng là phương tiện để công ty tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu
  • Niêm yết trên sàn để Tăng giá trị của công ty phục vụ lợi ích của các nhà đầu tư
  • Cổ phiếu của công ty trên sàn có giá trị như một loại tiền tệ dùng cho các thương vụ sát nhập (nếu cần) của công ty

Bởi những lợi ích này nên phần lớn công ty mong muốn được niêm yết thay vì giữ ở chế độ tư nhân.

Một số vấn đề có thể có của việc niêm yết trên sàn

  • Công ty sẽ tốn chi phí lớn phục vụ cho mục đích được niêm yết
  • Công ty sẽ bị giám sát chặt hơn điều có thể gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh nếu như họ vẫn giữ trạng thái tư nhân
  • Sức ép từ các chuyên gia phân tích thị trường và nhà đầu tư (trên sàn): công ty có thể bị sức ép chạy theo những lợi nhuận ngắn hạn thay vì tập trung vào những mục tiêu dài hạn – có thể kể ra trường hợp của gã khổng lồ Dell, một công ty đã quyết định Tư nhân hóa trở lại sau khi được niêm yết để tập trung vào những tầm nhìn dài hạn hơn của ban lãnh đạo.

Đầu tư vào cổ phiếu

Rất nhiều nghiên cứu thống kê đã chỉ ra rằng (và Moneytory cũng muốn nhấn mạnh lại lần nữa) là Cổ phiếu vẫn là một trong những công cụ đầu tư hiệu quả nhất (nếu không muốn nói là nhất).

Có hai cách để nhà đầu tư kiếm lợi nhuận thông qua việc đầu tư Cổ phiếu: 1) là được nhận Cổ tức (dividend) và 2) là thông qua Tăng trị giá vốn (Capital Appreciation)

Cổ tức là số tiền lãi thông qua kết quả kinh doanh của công ty được chia lại cho các cổ đông.

Tăng trị giá vốn là khoản chênh lệch dương giữa giá bán và giá mua cổ phiếu ban đầu tại thời điểm bạn bán ra.

Ví dụ thực tế: chỉ số VN-Index Việt Nam trong 5 năm qua – tăng trưởng 280%

Vnindex 5 năm qua
Kết quả chỉ số VN-Index 5 năm qua, tăng trưởng 280% – Nguồn: Tradingview

Lời kết

Nếu bạn muốn tiếp tục tìm hiểu thêm về Cổ phiếu, hãy đọc những bài viết chuyên sâu hơn của Moneytory về Hướng dẫn đầu tư cổ phiếu nhập mônHướng dẫn phân tích cổ phiếu cơ bản.

Chúng tôi muốn nhắc lại một lần nữa: Cổ phiếu là một công cụ đầu tư rất hiệu quả và gần như là một phần không thể thiếu trong danh mục đầu tư của bất kì một nhà đầu tư nào (chuyên nghiệp hay nghiệp dư). Hãy trang bị kiến thức đầy đủ cho mình trước khi tham gia thị trường để có thể cảm thấy thoải mái trước bất kì một quyết định đầu tư nào. Cũng có một cách nhanh hơn là bạn hãy đọc những bài viết phân tích chuyên sâu của Moneytory nhé.

Bài viết liên quan

hướng dẫn đầu tư cổ phiếu nhập môn-finpedia
Cẩm nang đầu tư cổ phiếu nhập môn

Bạn đang muốn đầu tư chứng khoán (cổ phiếu) nhưng chưa có kiến thức cơ bản? Chúc mừng, bạn đã tới đúng nơi cần tới rồi đó – Moneytory sẽ