Sự thật các quỹ đầu tư FX (prop firm) tại Việt Nam

Theo dõi Moneytory trên
Sự thật về các quỹ đầu tư fx prop firm-finpedia

Nhân sự kiện mới đây TFT (The Funded Traders) – 1 prop firm thuộc hàng top 1, top 2 tại Việt Nam mới thông báo cấm toàn bộ trader tại Việt Nam (mà tác giả là 1 trong số đó) nên tác giả cũng muốn viết 1 bài tổng hợp lại 1 số “sự thật” về hình thức kinh doanh prop firm này.

Cách đây chưa lâu thì cả giới trader (bao gồm cả thế giới không riêng gì trader Việt Nam) bàng hoàng trước thông tin MFF (My Forex Funds) bị giới chính quyền Canada đóng băng hoạt động và dĩ nhiên là cũng đóng băng thanh khoản (payouts) cho các trader đang trade cho quỹ (bao gồm cả các trader Việt).

Rồi gần đây nhất TFT “lạnh lùng” đưa ra thông báo ngắn gọn là họ sẽ “cấm” các trader từ Việt Nam và Malaysia bắt đầu từ hôm 03/11/2023 mà không có lý do cụ thể nào được đưa ra.

Với những người “trong ngành” thì hẳn tất cả những sự kiện trên không còn nhiều sự “bất ngờ” vì ngoài sự sụp đổ của MFF là 1 scandal lớn trong ngành, việc TFT cấm trader Việt Nam chắc cũng “nằm trong dự đoán”. Tuy nhiên với những người mới tìm hiểu mô hình prop firm này thì nhiều hẳn sẽ muốn đọc tiếp những thông tin tiếp theo ở bài viết dưới đây. Những thông tin mà tác giả hi vọng sẽ trả lời được những câu hỏi như là: tóm lại prop firm là gì? và tại sao họ lại hay cấm các trader tới từ Việt Nam tới vậy? Xa hơn nữa là những thắc mắc như tương lai của prop firm tại Việt Nam sẽ ra sao? và các trader nên sử dụng prop firm như thế nào?

Prop firm là gì?

Prop firm là viết tắt của từ Proprietary Firm – những công ty tài chính tự doanh – 1 hình thức vẫn được dân chơi FX Việt gọi nôm na là “chơi quỹ” hay “trade quỹ”.

Hiểu 1 cách đơn giản thì prop firm là 1 dạng tổ chức tài chính mong muốn kiếm lời từ các giao dịch tài chính của riêng nó thay vì phụ thuộc vào nguồn thu là các loại phí từ hoạt động giao dịch của khách hàng.

Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ chỉ bàn tới những prop firm chuyên phục vụ trong mảng FX (foreign exchange) bởi lẽ riêng khái niệm prop firm thôi đã gợi ý cho các bạn thấy sự “rộng lớn” của mảng kinh doanh (ngành công nghiệp) này.

Ở Việt Nam thời gian trở lại đây có khá nhiều prop firm “đến rồi đi (cấm)”. Có thể kể ra 1 số cái tên như:

  • TFT (vừa cấm trader Việt Nam)
  • MFF (vừa bị dừng hoạt động từ cuối tháng 8 vì cáo buộc lừa đảo)
  • và nhiều nhiều cái tên khác nữa
Tổng hợp payouts 1 số prop firm và tình hình cấm trader việt nam-finpedia
Tổng hợp 1 số prop firm và payouts + những cái tên đã cấm (hoặc hạn chế) trader từ Việt Nam. Dấu X là đã cấm. Nguồn: propfirmmatch.com + Moneytory tổng hợp

Cách để tham gia các prop firm này cũng khá đơn giản (và tương đối tương đồng giữa các quỹ):

  • Trader đăng ký tham gia các “challenge” – thử thách của quỹ + nộp phí thi (challenge fee)
  • Người tham gia sẽ phải vượt qua 2 vòng thử thách
    • Người tham gia sẽ được cấp 1 tài khoản demo (tiền ảo) để giao dịch
    • Vòng 1: Thường là người tham gia sẽ phải trade (giao dịch) với mục tiêu có lời từ 8-10% giá trị tài khoản thử thách (demo) mà họ đã mua. Ví dụ: người mua thử thách tài khoản 10,000 $ thì vòng 1 sẽ phải giao dịch có lời được 1,000 $ (10%) để được coi là thông qua vòng 1
    • Vòng 2: tương tự vòng 1, nhưng lần này thì thường các quỹ sẽ yêu cần số lợi nhuận thấp hơn 4-5% giá trị tài khoản mà thôi
    • Quy định về khoản lỗ tối đa (dragdown) và lỗ tối đa ngày (daily dragdown): đây là 2 quy định dễ dẫn tới việc người tham gia thử thách bị đánh trượt nhiều nhất. Cụ thể người giao dịch không được lỗ quá 10% giá trị tài khoản và không quá 5% giá trị tài khoản trong 1 ngày giao dịch. Ví dụ người mua thử thách tài khoản 10,000$ trong suốt quá trình 2 vòng thử thách sẽ không được phép để lỗ quá 1,000$. Và trong suốt quá trình thử thách, nếu trong 1 ngày giao dịch mà để lỗ quá 500$ (bao gồm cả khoản lỗ trong lệnh và phí giao dịch) thì cũng coi như trượt thử thách đó.
  • Sau khi vượt qua 2 vòng này, người tham gia sẽ được cấp 1 tài khoản “live”, hay được gọi nôm na là “được cấp vốn – funded”. Và từ đó về sau họ sẽ được chia lợi nhuận (nếu họ giao dịch có lãi) theo tỉ lệ (thường là 90-10) với quỹ chủ quản. Ví dụ: sau khi vượt qua 2 vòng thử thách tài khoản 10,000$ và tháng sau trader giao dịch có lời 1,000$ thì họ sẽ có quyền được yêu cầu thanh toán (payouts) là 900$. Tất nhiên là trader sau khi được cấp vốn thì vẫn PHẢI tuân thủ 2 quy định về lỗ tối đa và lỗ tối đa ngày như đã nói ở trên. Phần phí thi ban đầu cũng thường sẽ được các quỹ hoàn lại (refund) cho trader nếu vượt qua 2 vòng thi.
giá thử thách và giá trị tài khoản 1 số prop firm-finpedia
Tổng hợp giá thử thách và giá trị tài khoản của 1 số prop firm.

Đọc tới đây thì rõ ràng prop firm là 1 “cơ hội đổi đời” tuyệt vời cho các trader: “chỉ” cần bạn vượt qua 2 vòng thử thách bạn sẽ có cơ hội được kiếm lời trên 1 số tài sản (capital) lớn mà không cần tự bỏ tiền túi ra. Nếu bạn có khả năng giao dịch (trade) tốt, thì chỉ cần “số vốn” từ vài chục $, bạn có cơ hội kiếm lời từ những tài khoản lên tới vài trăm ngàn $, thậm chí số vốn bỏ ra ban đầu còn được hoàn lại (refund).

Quá tốt rồi phải không? Nhưng sự thật có đơn giản như vậy?

Mô hình kinh doanh “thật” của Prop firm FX?

Sau sự kiện MFF bản chất thật của các prop firm cũng dần sáng tỏ!

Trên lý thuyết (và tất nhiên là cũng theo lời quảng cáo của các công ty này), mô hình của các FX prop firm là tìm kiếm những trader giỏi (và có lãi), cung cấp vốn (capital) cho họ trade và chia sẻ lợi nhuận sinh ra.

Mô hình này trên lý thuyết là thiên đường cho các trader, nhưng tồn tại 3 vấn đề lớn cho các prop firm:

  1. Họ phải có rất nhiều vốn (capital): thử nghĩ xem 1 prop firm chỉ cần có khoảng 100 trader được cấp vốn với tài khoản 100,000$ thì 1 prop firm đã cần ít nhất 10 triệu $ vốn để các trader này giao dịch. Chưa kể mỗi trader có lãi thường sẽ tối đa (max out) số lượng tài khoản và giá trị tài khoản trade của họ để đạt lợi nhuận tối đa. Điều này khiến việc 1 prop firm “chuẩn trên lý thuyết” là 1 công việc kinh doanh cực kì ngốn nguồn vốn.
  2. Rủi ro: Từ đầu tới giờ chúng ta chỉ mới nói về trường hợp trader có lãi. Nhưng nếu các trader được cấp vốn “thật” (funded hoặc được cung cấp tài khoản live, như vẫn thường được quảng cáo trước sự kiện MFF) thì khoản rủi ro họ trade thua lỗ cũng là thật (real) với cái prop firm. Tất nhiên là họ (trader) luôn luôn bị ràng buộc bởi quy định lỗ tối đa, nhưng thử nghĩ xem 1 trader có tài khoản 100,000$ “được phép” lỗ tới 10,000$ trước khi bị loại. Đó là chưa kể 10% là mức trader sẽ bị dừng lệnh, rủi ro thưc tế sẽ cao hơn 10%. Liệu khoản lời sinh ra trước đó (10% chia cho prop firm) có bù đắp được khoản lỗ có thể xảy ra này hay không?
  3. Các trader tham gia trade không phải chịu rủi ro gì: sau khi thi đỗ 2 vòng trader sẽ được hoàn phí thi ban đầu. Như vậy là họ bước vào cuộc chơi với 0 chi phí. Nếu số vốn được cấp cho họ là thật, thì có nghĩa là họ được giao dịch với rủi ro mất vốn = 0, và phần thưởng (để mạo hiểm) là rất lớn. Điều này dễ dẫn tới việc trader sẽ có xu hướng giao dịch mạo hiểm (thậm chí là liều ăn nhiều – all in) để tìm kiếm lợi nhuận lớn từ số vốn được cấp.

Tổng hợp tất cả những vấn đề trên, thực tế là các prop firm cũng khó mà giữ được “lời hứa” cấp vốn “thật” cho các trader của mình.

Thực tế là sau sự kiện MFF, (hầu hết)các prop firm cũng đã phải thay đổi thông điệp của mình: từ những từ như live (tài khoản thật), funded (được cấp vốn) thành những từ như virtual (ảo) hay simulated (mô phỏng).

Chú giải của FTMO về “tài khoản được cấp vốn” của trader sau khi vượt qua 2 vòng thử thách: trader được cấp tài khoản demo (ảo) và tiền ảo (fictitious) chứ không phải tiền thật!

Tới đây thì Moneytory muốn tạm dừng để trả lời 1 trong những câu hỏi/thắc mắc thường gặp nhất của người mới tham gia trade prop firm: là tài khoản và tiền vốn sau khi vượt qua 2 vòng thử thách có phải là thật không? Câu trả lời là: hầu hết các prop firm FX đều KHÔNG cung cấp tiền thật, tài khoản thật nhé!

Tới đây thì nhiều bạn đọc sẽ có thắc mắc “ok rồi sao? Miễn là các prop firm này vẫn trả tiền thật (payouts) đều và đủ cho trader là được”. Chính xác! Tác giả cũng là người tham gia thử thách của TFT mà. Tuy nhiên tác giả vẫn muốn “phơi bày” sự thật này về các prop firm để những người mới tham gia không có hiểu lầm về loại hình kinh doanh này.

Quay lại câu hỏi “vậy các prop firm kiếm tiền bằng cách nào?” nếu như lợi nhuận “được chia” của họ là ảo?

Câu trả lời là các prop firm kiếm tiền chính từ khoản phí thi của trader!

Có 1 thống kê không chính thức trong ngành công nghiệp này là chỉ có khoảng 4% người tham gia vượt qua được 2 vòng thử thách của các prop firm.

Điều này có nghĩa là 96% người còn lại sẽ đóng vai trò “thanh khoản” để các prop firm chi trả chi phí hoạt động và…chung chi cho 4% những trader “thắng cuộc” kia.

Bản chất của “cuộc chơi” prop firm là như vậy dẫn tới 1 vấn đề “nho nhỏ” là: họ (prop firm) thực chất đang cược vào việc chúng ta (trader) sẽ thua và làm giàu trên điều đó!

Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là các prop firm sẽ không cố gắng bảo vệ “quyền lợi” của trader và trong 1 số trường hợp (lừa đảo) họ còn cố gắng tác động để trader trượt các vòng thử thách.

Tại sao prop firm hay cấm trader từ Việt Nam?

Thực ra rất khó để trả lời câu hỏi này 1 cách khách quan và chính xác. Tuy nhiên dựa vào những “sự thật” ở trên, tác giả có thể khẳng định có 1 nguyên nhân trực tiếp và 1 vài nguyên nhân gián tiếp khác dẫn tới việc các prop firm rất hay cấm (hoặc hạn chế) các trader Việt:

  • Nguyên nhân trực tiếp: các quỹ “lỗ vốn” tại thị trường Việt Nam! Điều này cũng khá “trực quan” vì xét theo logic nếu các quỹ “ăn nên làm ra” hẳn sẽ không rời bỏ thị trường Việt Nam dễ dàng thế. Lỗ ở đây có nghĩa là thu không bằng chi: tiền thu từ “phí thi” của các prop firm chắc chắn là không đủ để “chung chi” cho các trader “xuất sắc” tới từ Việt Nam. Đó là lý do trực tiếp dẫn tới việc họ cấm các “chây thủ” Việt.
  • Nguyên nhân gián tiếp: đó là bởi trader Việt Nam quá “xuất sắc” hay trong giới hay sử dụng thật ngữ “thánh bào” để nói về cái sự giỏi của trader Việt? Tác giả cũng không biết liệu các trader của chúng ta có thật sự quá giỏi hay không? Tuy nhiên tình trạng gian lận trong trading với các prop firm tại Việt Nam là quá tràn lan, thậm chí là 1 “điều hiển nhiên” trong giới. Có rất nhiều hình thức gian lận (cheat) trong quá trình thi quỹ mà tác giả cũng không thật sự tường tận tất cả nhưng hình thức phổ biến nhất chính là “thi hộ”. Cụ thể phương thức này hoạt động như thế nào thì nhờ bạn đọc tìm kiếm thêm, Moneytory sẽ không đi sâu phân tích về loại hình này nữa. Tuy nhiên cần nhấn mạnh là loại gian lận này hoạt động được cũng nhờ 1 “lỗ hổng” trong mô hình kinh doanh của các prop firm mà chúng tôi đã đề cập ở trên – đó là các trader sau khi vượt thử thách sẽ không bị trói buộc bởi rủi ro mất vốn nào. Điều này dẫn tới là 1 trader sẽ có xu hướng tìm 1 đội “chuyên thi hộ”, chấp nhận trả họ 1 khoản phí khá lớn. Đội thi hộ sau khi thi thành công 1 tài khoản đã kiếm được lợi nhuận. Trader cầm tài khoản và chơi lớn (mạo hiểm, all in) với hi vọng kiếm được số tiền lớn hơn khoản phí thi hộ trước khi “cháy” tài khoản. Và cuối cùng là chỉ có các prop firm là thiệt, bởi họ chẳng thu được gì (vì ngay cả khoản phí thu cũng đã phải hoàn lại rồi). Tóm lại trong cuộc chơi “gian lận” này thì các quỹ luôn luôn ở thế “sẽ lỗ” mà không có 1 cửa “kiếm lời” nào. Bởi vậy nên họ cấm “cả” thị trường Việt Nam cũng là biện pháp “cực chẳng đã”.

Tương lai nào cho hình thức prop firm ở Việt Nam?

Rất tiếc câu trả lời của tác giả cho câu hỏi này khá bi quan: đó là chúng ta (những trader) hãy…tận dụng những gì đang có 1 cách tốt nhất có thể!

Cụ thể là, nếu bạn vẫn muốn tham gia giao dịch với prop firm thì hãy thực hiện những bước sau:

  • Chọn 1 prop firm uy tín
  • Cố gắng vượt qua 2 vòng thử thách và kiếm được càng nhiều lợi nhuận càng tốt. Tất nhiên là bằng cách trade có kỉ luật và trách nhiệm!
  • …Hi vọng prop firm bạn chọn không cấm thị trường Việt Nam
  • Lời khuyên là trader cũng vẫn nên đa dạng hóa danh mục của mình thay vì chỉ tập trung vào prop firm.

Cách chọn 1 prop firm uy tín

  • Kiểm tra xem prop firm định tham gia có giấy phép hoặc được quản lý bởi cơ quan nào không?
FAQ của The5ers ghi rõ họ không được quản lý bởi bất kỳ 1 tổ chức nào.
  • Kiểm tra xem prop firm sử dụng broker (sàn giao dịch) bên thứ 3 nào không? Điều này đặc biệt quan trọng vì như đã phân tích ở trên, nếu 1 prop firm không sử dụng 1 bên broker thứ 3, thì nhiều khả năng đó là 1 quỹ lừa đảo. Bởi khi đó trader hầu như không được bảo vệ và các lệnh của họ hoàn toàn nằm trong tay 1 hệ thống của 1 công ty vốn dĩ không bao giờ muốn bạn thắng.

Kết luận

Như vậy là Moneytory đã gửi tới các bạn bài viết về cách vận hành của các quỹ đầu tư Forex (prop firm). Hi vọng những thông tin chúng tôi đưa ra có ích và xứng đáng thời gian đọc của các bạn!

Xin hãy ủng hộ Moneytory bằng cách để lại góp ý, thắc mắc hoặc bình luận trong mục Bình luận bên dưới. Cảm ơn các bạn đã dành thời gian cho chúng tôi!

FAQ – Câu hỏi thường gặp

Bài viết liên quan

các-khung-giờ-giao-dịch-forex-finpedia
Các khung giờ giao dịch Forex quan trọng

Nhận biết các khung giờ giao dịch (các phiên giao dịch) của các thị trường là 1 kiến thức quan trọng trong giao dịch Forex. Hiện tại có 4 phiên