Chắc hẳn gần đây nhiều người đã nghe nói tới những cụm từ như “tiền mã hóa” “tiền ảo” hay “bitcoin” “blockchain” vân vân. Một thông tin khá thú vị là Việt Nam hiện nằm trong top 15 nước có lượng người tham gia thị trường tiền mã hoá (crypto) đông đảo nhất thế giới – theo thông tin của Binance – một trong những sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới. Nhưng bạn đã thật sự hiểu khái niệm tiền mã hóa là gì chưa? Thay vì chỉ là công cụ đầu tư như mọi người vẫn truyền tai nhau, tiền mã hóa và công nghệ đằng sau chúng có tiềm năng rất lớn có thể làm thay đổi bộ mặt thị trường tài chính nói riêng và nhiều ngành khác nói chung trong tương lai gần. Chúng xứng đáng để bạn dành thời gian tìm hiểu cũng như nghiên cứu về cơ hội đầu tư cho mình.
Tiền mã hóa là gì?
Tiền mã hóa – ghép bởi 2 từ crypto (mã hóa) và currency (tiền tệ): là một dạng tiền tệ được bảo mật bằng kĩ thuật mã hóa chuỗi khối – blockchain. Tiền mã hóa cho phép các cá nhân giao dịch, trao đổi giá trị thông qua môi trường kĩ thuật số (internet) một cách PHI TẬP TRUNG.
Giao dịch phi tập trung
Điểm độc đáo nhất của Tiền mã hóa cũng chính là nằm ở 3 chữ Phi Tập Trung này (decentralized). Các loại giao dịch trên mạng hiện nay thường là các giao dịch Tập trung – tức là chúng phải đi qua một máy chủ trung tâm (thường là của những ngân hàng hoặc các công ty tài chính lớn).
Công nghệ chuỗi khối (blockchain) cho phép Tiền mã hóa không cần đi theo mô hình này. Những người tham gia vào hệ thống (gọi là một Node) chạy phần mềm kết nối họ lại với nhau để có thể chia sẻ thông tin. Mỗi Node giữ một bản sao của cơ sở dữ liệu và hoạt động như một máy chủ riêng lẻ. Các Node liên tục cập nhật dữ liệu với nhau, do đó không có khả năng một cá nhân hoặc một nhóm nhỏ nào có thể thao túng cả hệ thống được.
Tính Phi tập trung của Tiền mã hóa khiến chúng có một số ưu điểm nổi trội:
- Tính minh bạch: tiền mã hóa có thể hoạt động 24/7, 365 ngày/năm do đơn giản là hầu như không có khả năng tất cả mọi Node trong hệ thống đều dừng hoạt động
- Tính độc lập: tiền mã hóa có thể giao dịch không cần Trung gian (ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính) và kiểm duyệt. Bất kì ai tham gia hệ thống đều có thể chuyển giá trị đến mọi nơi trên thế giới. Đây cũng là đặc điểm khiến Tiền mã hóa dễ tổn thương trước các quy định về giám sát và kiểm duyệt của các chính phủ.
- Tính bảo mật: như đã nói ở trên, nhờ công nghệ blockchain, một đơn vị Tiền mã hóa là bất khả xâm phạm trước các hành động xâm nhập ngoại lai. Quyền sở hữu chỉ có thể được chuyển qua người khác trong hệ thống một cách tự nguyện.
Tiền ảo là gì?
Đây là khái niệm hay bị nhầm lẫn với Tiền mã hóa. Tiền ảo (virtual currency) là danh từ chung chỉ các loại tiền tệ được phát hành nội bộ bởi các tổ chức, công ty và họ có toàn quyền kiểm soát số tiền này.
Không ít người Việt từng mất hàng tỷ đồng khi đầu tư vào các sàn tiền ảo như Binary Option, Wefinex, Raidenbo, Bitono, Pocinex, Deniex, GardenBO… do nhầm lẫn giữa khái niệm tiền ảo và tiền mã hoá. Đây thực chất là những giao dịch nhị phân, núp bóng các dự án tiền mã hoá.
Tiền điện tử là gì?
Theo Dự thảo nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt sửa đổi định nghĩa về Tiền điện tử như sau:
“Tiền điện tử là giá trị tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử được trả trước bởi khách hàng cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện giao dịch thanh toán và được đảm bảo giá trị tương ứng tại ngân hàng, bao gồm: thẻ trả trước, ví điện tử, tiền di động”
Định nghĩa Tiền điện tử
Như vậy, Tiền điện tử chính là Tiền pháp định được Lưu trữ và Trao đổi thông qua các sản phẩm điện tử bao gồm phần cứng và phần mềm. Các đồng tiền điện tử đều phải luôn được thể hiện dưới dạng giá trị của tiền pháp định (ví dụ VNĐ, USD, SGD…)
Tiền điện tử được bảo đảm và giám sát bởi Ngân hàng trung ương.
So sánh Tiền mã hóa, Tiền ảo và Tiền điện tử
Tiền mã hóa | Tiền ảo | Tiền điện tử | |
Hình thức | Dạng số | Dạng số | Dạng số |
Đơn vị | Tùy vào Tổ chức phát hành | Tùy vào Tổ chức phát hành | Phải theo đơn vị Tiền pháp định |
Tổ chức phát hành | Nhà phát triển, công ty tư nhân Phi tập trung không chịu sự quản lý của nhà nước | Nhà phát triển, công ty tư nhân không chịu sự quản lý của nhà nước | Ngân hàng trung ương, các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng và các tổ chức tài chính chịu sự giám sát của ngân hàng trung ương và nhà nước |
Lưu trữ | Môi trường internet ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) phi tập trung | Server tập trung (centralized) của Tổ chức phát hành | Server tập trung của Tổ chức phát hành |
Lượng cung | Cố định | Không cố định | Không cố định |
Bitcoin là gì?
Bitcoin (BTC) là đồng tiền mã hóa có lẽ là có độ nhận diện và đi kèm là vốn hóa lớn nhất thế giới hiện nay. Nó cũng là đồng tiền mã hóa tiên phong của lĩnh vực mới mẻ này. Ra đời vào năm 2009, Bitcoin được tạo ra bởi một người hoặc một nhóm người sử dụng nickname Satoshi Nakamoto. Danh tính thật sự của Nakamoto tới nay vẫn là một bí ẩn và cũng có rất nhiều câu chuyện truyền kì thêu dệt xung quanh nhân vật này.
Sau Bitcoin, một số lượng lớn các loại tiền mã hóa cũng thi nhau ra đời, điển hình có thể kể tới những đồng coin nổi tiếng như Ether (ETH), Binance Coin (BNB), Tether (USDT), Ripple (XRP), vân vân. Hiện tại số lượng coin đang lưu hàng đang được ước tính khoảng hơn 6,000 đồng; tổng vốn hóa khoảng 2.67 Nghìn tỉ đô la Mỹ. Con số này rất lớn nhưng có một thực tế là tổng giá trị vốn hóa của Tiền mã hóa còn chưa bằng vốn hóa của một mình công ty Apple (APPL), vốn vừa cán mốc 3 Nghìn tỉ đô la Mỹ mới đây. Minh chứng cho sự thật là lịch sử Tiền mã hóa vẫn còn rất mới trên thị trường tài chính.
Đầu tư Tiền mã hóa: Đầu tư hay Đầu cơ?
Biến động giá
Các đồng tiền mã hóa nhìn chung vẫn đang được đánh giá là những công cụ Đầu cơ hơn là Đầu tư vì tính chất biến động giá của chúng rất cao. Như trong ảnh minh họa về diễn biến giá của đồng Bitcoin (BTC) từ 2018 tới nay, chúng ta có thể thấy mức độ biến động của nó rộng như thế nào. Tháng 6 năm 2019 BTC mới có giá khoảng 11K đô la Mỹ/1 BTC, tới tháng 4 năm 2021 BTC đạt đỉnh ở mức gần 65K và ngay lập tức tụt hơn 30% trong vài tháng sau đó. BTC mới đạt đỉnh mới gần 70K vào tháng 11 năm 2021 và hiện giờ lại tụt về khoảng 43k. Với mức độ biến động như vậy thì cũng không sai khi gọi BTC là “tàu lượn siêu tốc”.
Tương lai của tiền mã hóa
Tiền mã hóa vẫn đang là trung tâm của nhiều cuộc tranh luận vì tính chất đặc thù của nó – tính Phi tập trung. Tiền mã hóa tương đối dễ tổn thương trước quyết định “Công nhận” hay “Không công nhận” của các chính phủ trên toàn thế giới. Và phần đông hiện tại đang thiên về phía “Không công nhận” hoặc “Không quản lý”. Với một loại tài sản không có giá trị nội tại như các đồng Tiền mã hóa, giá trị của chúng nằm ở Sự thừa nhận rộng rãi của mọi người trên thế giới. Nhưng với sự ngăn cấm của các chính phủ (điển hình là Trung Quốc) thì tương lai của các đồng Tiền mã hóa được chấp nhận và sử dụng rộng rãi như một đơn vị thanh toán vẫn còn đang bị bỏ ngỏ.
Lời kết
Khoảng thời gian 5 năm trở lại đây đánh giá sự phát triển vượt bậc của các đồng Tiền mã hóa, cả ở khía cạnh độ nhận diện cũng như vốn hóa thị trường. Phải nhìn nhận một cách khách quan, Tiền mã hóa có những ưu điểm, lợi thế hơn so với đồng tiền pháp định (Đô la Mỹ, Việt Nam đồng, vân vân). Tuy nhiên việc đưa chúng vào áp dụng chính thống như một công cụ thanh toán được chấp nhận rộng rãi có lẽ vẫn cần rất nhiều thời gian.
Tuy nhiên Moneytory vẫn duy trì một góc nhìn lạc quan về tương lai (ứng dụng) của những đồng tiền này và cả công nghệ áp dụng để xây dựng nên – công nghệ blockchain. Chúng tôi hi vọng các bạn hãy dành thời gian nghiên cứu và tìm hiểu kĩ về Tiền mã hóa trước khi quyết định đầu tư vào chúng.
Sàn giao dịch tiền mã hóa
Hiện nhà đầu tư ở Việt Nam có thể giao dịch Tiền mã hóa qua các sàn giao dịch nổi bật như:
1. Binance
2. Huobi
3. Kucoin
4. Remitano
5. OKEx
Quy định về tiền mã hóa
Pháp luật Việt Nam hiện vẫn đang thiếu các quy định về Tiền mã hóa. Nhưng nhìn chung, Tiền mã hóa hiện không được nhìn nhận là một phương tiện thanh toán theo quy định của luật pháp Việt Nam.