Tương tự Finhay, Tikop cũng có những gói sản phẩm đầu tư thiết kế sẵn của họ nhằm thu hút những nhà đầu tư nhỏ lẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán. Trong phạm vi bài viết này, Moneytory sẽ cố gắng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Đầu tư Tikop có hiệu quả hay không?
Xem thêm: Đầu tư Finhay có nên không?
Các gói sản phẩm đầu tư Tikop
Tikop có 3 gói đầu tư mặc định, được thiết kế sẵn danh mục, đầu tư vào 3 kênh là quỹ mở, quỹ trái phiếu và quỹ ETF.
3 gói đầu tư Tikop được đặt tên lần lượt là An Toàn, Thử Thách và Mạo Hiểm, theo mức độ rủi ro tăng dần.
Tikop hiện đang hỗ trợ 23 các loại CCQ khác nhau nhưng các gói đầu tư Tikop được cấu thành chỉ bởi 7 cái tên theo danh sách dưới đây.
Tên CCQ | Công ty quản lý quỹ | Loại quỹ |
PVBF | PVCB | Quỹ trái phiếu |
FUEMAV30 | MIRAE ASSET | ETF |
DCDS | DCVFM | Quỹ mở |
SSI-SCA | SSIA | Quỹ mở |
TCEF | TECHCOMCAPITAL | Quỹ mở |
SSIBF | SSIA | Quỹ trái phiếu |
DCBF | DCVFM | Quỹ trái phiếu |
Trước khi đi vào phân tích cụ thể từng gói đầu tư Tikop một cách chi tiết, Moneytory muốn nhấn mạnh là do Tikop ra đời tương đối muộn – họ mới chỉ ra mắt từ giữa những năm 2020. Bởi vậy kết quả hoạt động các gói sản phẩm đầu tư của họ mới chỉ có hơn 1 năm tuổi đời, và lại đúng vào năm bùng nổ của thị trường chứng khoán, do vậy kết quả sinh lời của họ có vẻ sẽ khả quan hơn thực tế.
Các giả thiết để phân tích các gói sản phẩm đầu tư Tikop
- Mục tiêu: chúng ta muốn tìm và so sánh Hiệu suất sinh lời của các gói sản phẩm này
- Sau khi tìm được 1, chúng ta sẽ thử so sánh hiệu suất đó với các kênh đầu tư khác trên thị trường (tất nhiên là sẽ so sánh với các kênh có tính chất tương đồng)
- Mỗi một sản phẩm đầu tư Tikop được cấu thành từ những danh mục đầu tư khác nhau, chúng ta sẽ giả sử là một người dùng đầu tư 100 triệu VNĐ vào mỗi một gói đầu tư Tikop từ đầu năm 2020 cho tới hết năm 2021 để xem từ 100 triệu ban đầu chúng ta sẽ có được bao nhiều tiền ở thời điểm cuối.
- Giá CCQ được sử dụng để tính toán trong phân tích này được tổng hợp từ số liệu của các quỹ đầu tư nổi bật của Việt Nam trong bài viết trước này: Tổng hợp hiệu suất đầu tư của 32 quỹ đầu tư nổi bật. Bảng tổng kết các bạn có thể theo dõi dưới đây.
Và đây là bảng tổng kết kết quả sinh lời của các gói đầu tư Tikop sau khi tính toán:
Sản phẩm đầu tư Tikop | Tổng tiền tới hết năm 2021 | Tăng trưởng/năm | Tăng trưởng YTD 2022 |
An Toàn | 104,845,227 VNĐ | 4.85% | 1.99% |
Thử Thách | 123,694,724 VNĐ | 23.69% | -2.78% |
Mạo Hiểm | 140,792,494 VNĐ | 40.79% | -4.32% |
(*) Chỉ số tăng trưởng YTD được cập nhật tới hết ngày 20/04/2022.
Còn dưới đây là phân tích chi tiết từng gói một
Gói An Toàn
Danh mục phân bổ
Tương tự Finhay, thì gói đầu tư Tikop số 1 này là một gói về trái phiếu. Danh mục được phân bổ vào 3 quỹ trái phiếu là
- PVBF: 30%
- SSIBF: 40%
- DCBF: 30%
Tổng kết:
- Tới hết năm 2021, sau 1 năm đầu tư vào An Toàn thì nhà đầu tư sẽ thu về 105,977,263 VNĐ. Tương đương lãi 5.98%/năm. Tức là còn thấp hơn lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng.
- Để so sánh tương quan thì sau đây là bảng tổng kết tăng trưởng các quỹ trái phiếu nổi bật của Việt Nam giai đoạn 2015-2021.
Nhận xét:
- Sản phẩm An Toàn đúng là quá…an toàn. Tốc độ tăng trưởng của gói này còn chậm hơn Rùa Hoàn Kiếm nhà Finhay. Một lựa chọn tệ bởi vì nên nhớ các gói Tích lũy của Tikop không có gói nào có lãi năm thấp hơn con số này.
- Trong danh mục Trái phiếu này những lựa chọn của Tikop có vẻ khá bất hợp lý. Ngoại trừ DCBF, vốn đứng nhất nhì về tăng trưởng theo năm trong số các quỹ trái phiếu thì 2 cái tên SSIBF và PVBF là những cái tên….đội sổ trong danh sách (ở trên). PVBF thì còn khá mới nên thôi chúng ta không bàn tới nữa. Nhưng SSIBF thì đã ra đời từ 2016 nên hiệu suất tệ của nó thì gần như không thể chối cãi.
- Kết luận lại: nhà đầu tư không nên đầu tư vào gói này!
Gói Thử Thách
Danh mục phân bổ
- PVBF: 50%
- FUEMAV30: 20%
- DCDS: 20%
- SSI-SCA: 5%
- TECF: 5%
Như vậy là gói này phân bổ vào quỹ mở (30%), Trái phiếu (50%) và ETF (20%).
Tổng kết:
- Tới hết năm 2021, nhà đầu tư xuống 100,000,000 VNĐ vào Thử Thách sẽ thu về 123,694,724 VNĐ. Tương đương khoảng lãi 23.7%.
- Để so sánh tương quan thì dưới đây là bảng tổng kết tăng trưởng các quỹ mở nổi bật ở Việt Nam. Với kết quả 23.7% thì Thử Thách cũng xếp hạng 21 trong số 32 quỹ. Một kết quả trung bình. Nhưng nên nhớ là năm 2021, VN-Index tăng 35% và VN30 tăng 43%.
Nhận xét:
- Thực ra là còn hơi quá sớm để kết luận về tính hiệu quả của danh mục Thử Thách này vì nó mới chỉ có hơn 1 năm tuổi đời. Tuy nhiên chúng ta có thể đánh giá những cái tên trong danh sách này.
- Giống như An Toàn, cái tên chiếm tới 50% phân bổ danh mục vẫn là PVBF. Một lựa chọn không phải tối ưu trong nhóm trái phiếu.
- 2 lựa chọn quỹ mở là SSI-SCA và TECF cũng chỉ lần lượt xếp hạng 8, và 12 về tăng trưởng trong năm 2021 trong số 14 quỹ mở nổi bật.
- Tương tự FUEMAV30 là quỹ ETF đứng thứ 6/8 về tăng trưởng trong năm 2021 của các quỹ ETF nội. Một lựa chọn cũng không phải quá xuất sắc. Bởi vì nếu chỉ chọn 1 quỹ ETF mô phỏng chỉ số VN30 thì cũng có tới 2 quỹ ETF khác có tăng trưởng tốt hơn FUEMAV30 là FUESSV30 và E1VFVN30.
- Kết luận lại thì Thử Thách là một lựa chọn trung bình kém trên thị trường.
Gói Mạo Hiểm
Danh mục phân bổ
- PVBF: 10%
- FUEMAV30: 30%
- DCDS: 30%
- SSI-SCA: 15%
- TECF: 15%
Như vậy là gói này phân bổ vào quỹ mở (60%), Trái phiếu (10%) và ETF (30%).
Tổng kết:
- Tới hết năm 2021, nhà đầu tư xuống 100,000,000 VNĐ vào Mạo Hiểm sẽ thu về 140,792,494 VNĐ. Tương đương khoảng lãi 40.79%.
- Với kết quả 40.79% thì Thử Thách cũng xếp hạng 17 trong số 32 quỹ. Một kết quả trung bình. Như vậy là gói Mạo Hiểm này đã “chiến thắng” được chỉ số VN-Index và chỉ thua VN30.
- Về danh mục, Mạo Hiểm copy y chang Thử Thách và chỉ thay đổi tỉ trọng phân bổ. Do đó, Moneytory sẽ không đi sâu vào nhận xét danh mục của Mạo Hiểm nữa.
- Kết luận: Mạo Hiểm là một lựa chọn trung bình so với mặt bằng chung của thị trường.
Nhận xét chung về các sản phẩm đầu tư Tikop
- Tikop có ít các sản phẩm đầu tư hơn so với Finhay. Số lượng các quỹ trong danh mục cũng ít hơn một chút. Về tăng trưởng, tất nhiên là do tính chất trung bình hóa của các sản phẩm này sẽ giảm hiệu suất sinh lời lại, tuy nhiên các lựa chọn trong danh mục của các sản phẩm của Tikop cũng chưa phải là tối ưu, đặc biệt là ở mảng Trái phiếu.
- Kết luận lại là các sản phẩm đầu tư thiết kế sẵn này của các ứng dụng đầu tư giỏi lắm là có được kết quả tăng trưởng ở mức trung bình khá so với mặt bằng chung của thị trường. Các nhà đầu tư vẫn nên tìm hiểu nghiên cứu, lựa chọn cho mình những phương án có hiệu suất tối ưu hơn.
Tikop là gì?
Tikop là một ứng dụng tài chính cá nhân. Người dùng có thể dùng Tikop để tiết kiệm (gửi tiền lấy lãi) hoặc đầu tư (mua các chứng chỉ quỹ đầu tư)
Tikop có lừa đảo không? Tikop có an toàn không?
Tikop trên thực tế chỉ là trung gian giữa nhà đầu tư và các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác. Tiền của nhà đầu tư khi nạp vào Tikop sẽ được chuyển thẳng sang các tổ chức tài chính nói trên thế nên các hoạt động của Tikop là hợp pháp.
Tikop review
Moneytory đã có bài viết Tikop Review. Click vào link để đọc bạn nhé!