Trong phạm vi bài viết này, Moneytory muốn gửi tới các bạn một chiến lược đầu tư khá phổ biến, đó là chiến lược trung bình giá (Dollar-cost Averaging – DCA).
Xem thêm: Lựa chọn chiến lược đầu tư: chủ động hay thụ động
Có lẽ nhiều người cũng đã từng áp dụng hoặc trải nghiệm trung bình giá DCA theo cách này hay cách khác trong quá trình đầu tư của mình rồi, nhưng hãy cùng Moneytory tổng kết lại một cách có hệ thống về chiến lược đầu tư này nhé.
Trung bình giá là gì?
Trung bình giá (dollar-cost averaging – DCA) là một chiến lược đầu tư mà qua đó, nhà đầu tư sẽ chia nhỏ các khoản đầu tư của mình và rải đều chúng trong một khoảng thời gian nhất định mà không quan tâm tới sự biến động của giá thị trường của tài sản mua vào.
Các khoản đầu tư của chiến lược trung bình giá sẽ diễn ra bất chấp sự biến động về giá của tài sản được mua trên thị trường.
Mục đích chính của DCA là để giảm thiểu rủi ro về biến động giá của thị trường và giảm thiểu tổng chi phí đầu tư của nhà đầu tư.
Áp dụng chiến thuật này, nhà đầu tư cũng có thể được “giải thoát” khỏi áp lực phải canh giá của thị trường. Nhà đầu tư sẽ thường có suy nghĩ phải chọn lúc thị trường đi xuống để mua vào vì lúc đó là lúc … giá chứng khoán hời nhất. Mặc dù cách nghĩ này không sai, nhưng thực tế cố gắng chờ thị trường đi xuống để mua vào sẽ khiến nhà đầu tư mất nhiều hơn được trong dài hạn.
Ví dụ về chiến lược trung bình giá
Giả sử bạn có 200 triệu đồng muốn đầu tư vào mã VRE ngay đầu năm 2022. Bạn có 2 phương án đúng không? Phương án 1 là mua 1 lúc 200 triệu VRE ngay ngày đầu mở cửa lại thị trường và phương án 2 là chia đều 200 triệu đó thành 10 khoản, mỗi tuần mua vào 20 triệu đồng giá trị cổ phiếu VRE – đó chính là chiến lược trung bình giá.
Hãy nhìn bảng dưới đây để thống kê lại kết quả của 2 phương án.
Theo như bảng phân tích này thì sau 10 tuần áp dụng chiến lược trung bình giá, nhà đầu tư sẽ mua được tổng cộng 5,918 cổ phiếu VRE với giá trung bình là 33,800 VNĐ/cổ phiếu.
Nếu như nhà đầu tư mua ngay tại thời điểm 03/01/2022 thì kết quả là 5,755 cổ phiếu. Như vậy là chiến lược trung bình giá sẽ giúp nhà đầu tư mua được nhiều tài sản hơn khi tài sản đó có xu hướng giảm.
Tương ứng thì ở ví dụ này, nếu áp dụng chiến lược trung bình giá, nhà đầu tư sẽ lỗ 4,706,000 VNĐ tại thời điểm mua vào cổ phiếu ở tuần thứ 10. Trong khi đó, với phương án đầu tư 1 lần mua hết 200 triệu tiền cổ phiếu tùy thời điểm, kết quả lãi lỗ bạn đọc có thể thấy trên bảng.
Nhưng dù gì thì, khả năng mua trúng vào thời điểm để có lời là rất khó xảy ra (dựa vào ví dụ thực tế này). Nếu bạn có 10 cơ hội được mua vào 1 lần thì chỉ có 4 lần có khả năng thua lỗ ít hơn so với việc áp dụng phương án trung bình giá. Rõ ràng trung bình giá là một phương án tối ưu cho nhà đầu tư!
Ưu điểm của phương pháp trung bình giá
- Như đã phân tích ở trên thì một trong những ưu điểm lớn nhất về mặt kỹ thuật của DCA là sẽ giảm thiểu rủi ro và giảm chi phí đầu tư.
Lưu ý là trung bình giá sẽ giảm được chi phí đầu tư nhưng chỉ là khi tài sản được chọn mua đang trong đà giảm giá nên trung bình giá không phải là chiến lược đảm bảo chắc chắn nhà đầu tư sẽ mua được tài sản với giá rẻ hơn.
- Nhưng có lẽ ưu điểm lớn nhất của DCA là hạn chế việc đầu tư theo cảm xúc của nhà đầu tư. Việc cam kết vào thực hiện chiến lược trung bình giá sẽ giúp nhà đầu tư gạt bỏ đi suy nghĩ phải canh đúng thời điểm để xuống tiền, đồng nghĩa với việc loại bỏ sự do dự.
Việc chờ thị trường giảm giá (bắt đáy) và sau đó mua đuổi vì FOMO là đại kỵ của đầu tư. Thay vào đó nhà đầu tư nên cố gắng tạo dựng một cái nhìn dài hạn về thị trường. Và chiến lược trung bình giá là một lựa chọn tốt để rèn luyện tính kỉ luật và tầm nhìn trong đầu tư.
- DCA phù hợp với những khoản đầu tư mang tính định kỳ. Ví dụ một nhà đầu tư cá nhân có mong muốn bỏ ra 30% thu nhập hàng tháng của mình để đầu tư chứng khoán là đối tượng thích hợp để áp dụng chiến thuật trung bình giá.
Ngoại trừ việc phải tự giác giao dịch định kỳ, trên thị trường cũng có khá nhiều sản phẩm đầu tư rất thuận tiện cho chiến lược DCA như đăng ký mua CCQ quỹ mở định kỳ theo tháng.
Xem thêm: Hướng dẫn đầu tư quỹ mở và Hướng dẫn đầu tư quỹ ETF
Nhược điểm của phương pháp trung bình giá
- Chi phí giao dịch: do các khoản đầu tư được chia nhỏ và tiến hành định kỳ nên chi phí giao dịch của DCA cũng nhiều hơn so với đầu tư một lần.
- Lợi nhuận kỳ vọng: một chiến lược mục đích là để tối ưu rủi ro thì đương nhiên sẽ không thể cùng lúc tối ưu lợi nhuận cho nhà đầu tư. Áp dụng chiến lược trung bình giá sẽ phù hợp với những nhà đầu tư mong muốn sự an toàn cũng như tính kỉ luật hơn là chạy theo lợi nhuận trong ngắn hạn.
Vậy thì trung bình giá phù hợp nhóm đối tượng nào?
- Nhà đầu tư mới bắt đầu hoặc có vốn nhỏ
- Nhà đầu tư không muốn dành quá nhiều thời gian nghiên cứu thị trường hoặc canh me mua thấp bán cao
- Nhà đầu tư có những khoản thu nhập định kỳ muốn dành cho đầu tư dài hạn
- Nhà đầu tư tham gia các thị trường có biến động quá lớn như thị trường Tiền mã hóa
Xem thêm Tiền mã hóa là gì?
Trung bình giá lên là gì? Trung bình giá xuống là gì?
Như đã trình bày ở phần định nghĩa, Trung bình giá là phương án đầu tư chia nhỏ tổng nguồn vốn ban đầu và rải đều theo thời gian mà KHÔNG QUAN TÂM TỚI BIẾN ĐỘNG GIÁ THỊ TRƯỜNG CỦA TÀI SẢN MUA VÀO.
Bởi vậy Moneytory nghĩ không có sự khái niệm về trung bình giá lên hoặc xuống. Nhà đầu tư nên áp dụng chiến lược trung bình giá nếu muốn giảm thiểu rủi ro và xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn.