Hướng dẫn đầu tư quỹ mở

Theo dõi Moneytory trên
hướng dẫn đầu tư quỹ mở - Moneytory

Chủ đề ngày hôm là đầu tư quỹ mở (mutual fund) hay còn được gọi là các quỹ tương hỗ. Dưới đây là bảng cập nhật giá NAV/CCQ và kết quả tăng trưởng của một số quỹ mở nổi bật trên thị trường từ năm 2015 tới hết năm 2021 và cập nhật hiệu suất YTD trong năm 2022.

Vậy, quỹ mở là gì và đặc điểm của chúng như thế nào? Chúng có phải là một lựa chọn phù hợp cho bạn không? Hãy cùng Moneytory tìm hiểu về loại hình đầu tư này nhé.

Đa dạng danh mục đầu tư (diverficiation)

Trước khi tìm hiểu khái niệm Quỹ mở, chúng ta phải hiểu được bản chất tại sao giới đầu tư lại muốn sử dụng quỹ mở trước đã. Tất cả bắt đầu từ khái niệm Đa dạng danh mục đầu tư. Ở bài viết Hướng dẫn đầu tư cổ phiếu nhập môn, Moneytory đã giới thiệu tới các bạn khái niệm này, các bạn có thể đọc lại tại đây.

Hẳn là bạn cũng từng nghe câu “Đừng bỏ hết trứng vào một giỏ” ở đâu đó rồi nhỉ? Đó chính là lời tóm gọn dễ hiểu nhất cho khái niệm Đa dạng hoá danh mục trong đầu tư. Tóm lại, đa dạng danh mục là một chiến lược giúp nhà đầu tư phân bổ tài sản của mình vào nhiều (thay vì một hoặc một số ít) loại công cụ đầu tư khác nhau để giảm thiểu rủi ro.

đa dạng hoá danh mục
Định nghĩa đa dạng hoá danh mục (diversification) – Nguồn: Moneytory

Phân bổ danh mục của mình như thế nào thì được coi là đa dạng?

Đa dạng hoá có thể xảy ra ở nhiều khía cạnh khác nhau: ví dụ đầu tư vào nhiều mã cổ phiếu ở nhiều ngành khác nhau, đầu tư vào nhiều công cụ tài chính khác nhau – hỗn hợp của Cổ phiếu, Trái phiếu, Bất động sản và các công cụ phái sinh khác hoặc đầu tư vào nhiều thị trường (quốc gia) khác nhau. Nghiên cứu và các mô hình toán học đã chỉ ra rằng duy trì một danh mục từ 25 tới 30 mã cổ phiếu khác nhau là tối ưu cho mục tiêu đa dạng hoá danh mục.

Đa dạng hoá danh mục chỉ thật sự hiệu quả nhất nếu các “tài sản” trong danh mục không có mối quan hệ “tương quan lẫn nhau”.

Ví dụ của đa dạng hoá danh mục

Từ đây bạn có thể thấy là xây dựng một danh mục “Đa dạng” và đảm bảo được chúng thật sự “đa dạng” không phải là một chuyện dễ dàng với phần đông những nhà đầu tư mới bắt đầu. Đó là chưa kể để duy trì tính “Đa dạng” của danh mục bạn phải liên tục theo dõi và điều chỉnh. Ví dụ bạn sở hữu 3 mã cổ phiếu A, B, C, mỗi mã tốn 10 triệu (33% tài sản của bạn cho mỗi mã).

Sau 1 năm mã A tăng giá lên 18 triệu, mã B 12 triệu, và mã C giảm giá xuống còn 9 triệu. Nếu bạn vẫn muốn duy trì tính “đa dạng” – tức là vẫn sở hữu 33% tài sản cho mỗi mã: bạn sẽ phải bán bớt mã A sau đó mua thêm mã B và C: cụ thể bán 5 triệu mã A sau đó mua thêm 1 triệu mã B và 4 triệu mã C để sở hữu 13 triệu mỗi mã.

Thử tưởng tượng bạn phải làm thế với 25 – 30 mã cổ phiếu xem khối lượng công việc sẽ lớn như thế nào. Đó là chưa kể những nhà đầu tư không chuyên hoặc bán chuyên cũng không có quá nhiều tài sản để có thể đầu tư được số lượng đầu cổ phiếu nhiều như 25-30 mã.

Vậy điều đó có ý nghĩa gì với nhà đầu tư nhỏ lẻ? Không lẽ không có cách nào để có thể áp dụng chiến thuật Đa dạng hoá nếu chúng ta có ít tiền và thời gian (và kiến thức)? Tin vui là người trong ngành tài chính không bao giờ để những điều đó ngăn các bạn xuống tiền đầu tư – họ tạo ra một khái niệm là Quỹ mở (Mutual fund).

định nghĩa quỹ tương hỗ
Định nghĩa Quỹ tương hỗ (quỹ mở) – Nguồn: Moneytory

Đầu tư quỹ mở là gì?

Quỹ tương hỗ (quỹ mở) là một loại phương tiện đầu tư tập thể được quản lý bởi những nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp với tiền vốn được góp từ nhiều nhà đầu tư để mua các loại chứng khoán khác nhau với mục đích tối đa hoá lợi nhuận.

mô hình hoạt động quỹ tương hỗ
Mô hình hoạt động của một quỹ mở- Nguồn: Moneytory

Các nhà đầu tư cá nhân sẽ cùng rót vốn vào một quỹ mỡ, nhận lại chứng chỉ quỹ (CCQ) đại diện cho phần góp vốn của mình. Trị giá 1 CCQ sẽ được tính theo công thức:

1 CCQ = (Tổng giá trị ròng của quỹ)/(Số lượng CCQ đang lưu hành)

Khác biệt chủ yếu của một CCQ so với Cổ phiếu là giá của 1 CCQ sẽ không biến động như giá Cổ phiếu, mà thay vào đó, giá trị của 1 CCQ sẽ chỉ được tính 1 lần/ngày – sau khi kết thúc phiên giao dịch của ngày hôm đó theo công thức nêu ở trên.

Các loại Quỹ mở

Tuỳ vào chính sách và đội ngũ quản lý, Quỹ mở có thể có những biến thể khác nhau, nhưng thường sẽ được phân biệt dựa theo loại chứng khoán hoặc công cụ đầu tư mà quỹ đó tập trung đầu tư:

  • Quỹ Cổ phiếu – quỹ mở tập trung đầu tư vào cổ phiếu
  • Quỹ Trái phiếu – quỹ tập trung vào mua Trái phiếu
  • Quỹ Cân bằng – đầu tư cả Cổ phiếu và Trái phiếu, thậm chí các loại chứng khoán phái sinh (CKPS) như Chứng quyền hoặc Hợp đồng tương lai.

Ưu điểm của đầu tư quỹ mở

Khởi đầu với số vốn nhỏ

Ưu điểm đầu tiên của Quỹ mở đó là nhà đầu tư cá nhân có thể bắt đầu góp vốn đầu tư ở mức nhỏ nhất từ 500K. Một điểm đặc biệt nữa là số CCQ bạn đầu tư có thể ở dạng thập phân, tức là bạn bỏ vào bao nhiêu tiền cũng được, không cần quan tâm có đủ để mua số “chẵn” CCQ: ví dụ bạn có thể mua 9.3 CCQ chứ không nhất thiết phải mua tròn 10 CCQ.

Đa dạng hoá danh mục

Như đã bàn ở trên, mục tiêu của việc suy nghĩ dùng công cụ Quỹ mở xuất phát từ mong muốn đa dạng hoá danh mục đầu tư mà nhà đầu tư cá nhân không (hoặc khó) có thể tự làm được. Với sự giúp đỡ của đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp cũng như dòng vốn gộp lớn, Quỹ mở có thể giúp bạn đa dạng hoá danh mục đầu tư rồi. Một Quỹ mở có thể đầu tư vào vài chục (thậm chí vài trăm) mã Cổ phiếu ở nhiều ngành khác nhau, nhiều thị trường khác nhau, quá đủ để “đa dạng”.

Tính thanh khoản cao

Nhà đầu tư có thể mua và bán CCQ khá đơn giản và nhanh chóng: mua và bán trực tiếp với đơn vị quản lý quỹ hoặc qua một bên thứ ba. Việc mua bán nhập lệnh thường được ghi nhận trong các ngày làm việc trong tuần và thường diễn ra trong 1 ngày làm việc: quỹ sẽ ghi nhận lệnh và tiền chuyển trước 14:00 mỗi ngày và sẽ ghi nhận giao dịch vào ngày làm việc kế tiếp.

Đội ngũ quản lý quỹ chuyên nghiệp

Nhà đầu tư chọn đầu tư vào quỹ là vì quỹ có một đội ngũ phân tích và quản lý rất chuyên nghiệp. Họ là những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực của họ cũng như có phương pháp tiếp cận thông tin thị trường nhanh nhạy hơn những người bình thường.

Đây cũng là một điểm rất đặc thù của Quỹ mở – những nhà quản lý quỹ thành công thường là những người có lịch sử điều hành quỹ mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư trong nhiều năm, tức là sự thành công của họ thường đã được kiểm chứng. Các bạn đọc của Moneytory cũng được khuyến khích tìm hiểu thông tin của giám đốc quản lý quỹ cũng như Hồ sơ của họ trước khi quyết định xuống tiền.

Nhược điểm của Quỹ mở

Biến động lợi nhuận

Không một quỹ mở nào sẽ “cam kết lợi nhuận” cho nhà đầu tư – đó là đặc điểm của ngành. Dù Quỹ mở là một trong những lựa chọn tốt để Đa dạng danh mục, nhưng cũng không có gì sẽ bảo đảm bạn sẽ có lời khi thị trường biến động khó lường.

Lực cản tiền mặt

Như đã bàn ở trên, tính thanh khoản cao là một lợi thế của Quỹ mở, tuy nhiên ở một góc độ khác nó lại là một nhược điểm: do đặc điểm của Quỹ mở là nhà đầu tư có thể mua ra bán vào CCQ một cách khá tự do nên một quỹ thường phải “dự trữ” một lương tiền mặt nhất định để đảm bảo có tiền chi trả cho nhà đầu tư khị họ bán ra CCQ. Và lượng tiền mặt này tất nhiên là chỉ nằm không một chỗ và không sinh ra lợi nhuận rồi – chính là Lực cản tiền mặt.

Chi phí quản lý cao

Đây là đặc điểm có lẽ là quan trọng nhất mà nhà đầu tư nên hiểu và cân nhắc kĩ trước khi đầu tư vào Quỹ mở. Đi cùng với một đội ngũ quản lý chuyên nghiệp và thành công là chi phí con người rất cao để trả cho dịch vụ của họ.

Chi phí này sẽ được trừ thẳng trực tiếp vào Tổng tài sản của một quỹ hằng năm. Moneytory khuyến nghị nhà đầu tư phải tìm hiểu thật kĩ về chi phí này – vì chi phí này theo năm tháng sẽ là những con số khổng lồ. Hơn nữa, chi phí thì không thể sinh ra lợi nhuận! Chi phí quản lý này ở Việt Nam hiện là đang ở mức rất cao!

Bạn đọc quan tâm có thể bấm trực tiếp vào link đính kèm và đăng ký mua CCQ trực tiếp tại quỹ hoặc có thể sử dụng các nền tảng thứ 3 như Fmarket để đầu tư vào quỹ mở nhé.

Lời kết

Quỹ mở có thể là một lựa chọn đầu tư dài hạn tuyệt vời cho những người không có quá nhiều thời gian để nghiên cứu và phân tích cổ phiếu. Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc tới hết bài viết này. Hi vọng là với những kiến thức được chia sẻ trong bài viết sẽ giúp các bạn có thêm những lựa chọn tích cực cho sự nghiệp đầu tư của mình.

Xem thêm: Những quỹ mở tốt nhất Việt Nam đầu năm 2022

Quỹ mở là gì?

Quỹ mở là một hình thức quỹ đầu tư tập thể, nơi mà nhà đầu tư sẽ “hùn” vốn của mình cho một công ty quản lý quỹ sử dụng số vốn đó để đầu tư vào các tài sản chứng khoán với mục đích tạo ra lợi nhuận lớn nhất có thể cho các nhà đầu tư góp vốn.

Chứng chỉ quỹ là gì?

Chứng chỉ quỹ (CCQ) là 1 đơn vị chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư với tài sản ròng của một quỹ đầu tư (quỹ mở hoặc quỹ ETF).

Giá một CCQ được tính theo công thức sau:
CCQ = [Tổng giá trị ròng (NAV) của quỹ]/[Tổng số lượng CCQ lưu hành]

Giá 1 CCQ của bất kỳ một quỹ đầu tư nào (quỹ mở hay quỹ ETF) đều có giá trị = 10,000 VNĐ lúc khởi đầu!

Bài viết liên quan

đầu tư finhay nên hay không-finpedia
Đầu tư Finhay nên hay không?

Đầu tư Finhay có nên hay không là một câu hỏi được tìm kiếm khá nhiều trên Google thời điểm gần đây. Ở bài viết trước, Moneytory đã gửi tới